Ảnh: medindia.net. |
Trưởng nhóm nghiên cứu Michelle Lampl, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Emory (Mỹ) và cộng sự đã yêu cầu 23 cặp cha mẹ ghi lại nhật ký giấc ngủ trong ngày của con họ (các bé đều mới sinh, trung bình 12 ngày tuổi) kéo dài từ 4 đến 17 tháng.
Họ ghi lại giờ ngủ, thức của bé, cũng như chế độ ăn (sữa mẹ hay sữa ngoài, có các triệu chứng như ói mửa, sốt, tiêu chảy hay phát ban hay không).
Trong thời gian này, các nhà nghiên cứu thường xuyên đo lại chiều dài của trẻ - từ ngày một lần đến tuần hai lần - và so sánh sự tăng trưởng với thời gian biểu ngủ của trẻ.
Họ phát hiện thấy khi giờ ngủ của trẻ thay đổi - khi trẻ bắt đầu có nhiều giấc ngủ ngắn hay ngủ nhiều hơn - thì thường sau đó sẽ là một đợt dài ra mạnh mẽ. Cụ thể, với mỗi giấc ngủ ngắn, tốc độ lớn của trẻ tăng thêm 43%, và tăng thêm 20% với mỗi giờ ngủ thêm.
Tờ Time cho biết, không chỉ giúp trẻ dài ra, các giấc ngủ còn giúp trẻ nặng cân hơn, đặc biệt là sự tích lũy mỡ quanh bụng.
Các bé trai có nhiều giấc ngủ hơn bé gái, nhưng các đợt ngủ này thường ngắn hơn. Các bé bú mẹ cũng ngủ thường xuyên hơn, và ngắn hơn các bé ăn sữa công thức.
Phát hiện này có thể giúp xóa đi nỗi lo lắng của các bậc cha mẹ khi thấy con mình ngủ "thất thường".
"Dường như ngủ thất thường là một phần của sự phát triển. Trẻ thực sự không phải đang làm điều gì đó cá biệt. Vì thế các bậc cha mẹ không cần quá căng thẳng", Lampl cho biết.
T. An