Trẻ bơi hay chơi đùa trong các bể nước được khử bằng clo có nguy cơ mắc hen suyễn cao hơn nhiều so với bình thường. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh mối liên hệ giữa clo và hen suyễn, nhưng một số người cho rằng bể bơi trong nhà là nơi tiềm ẩn nguy cơ lớn hơn, bởi hơi clo không thể thoát khỏi một không gian kín.
"Trẻ càng bơi nhiều thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Nghiên cứu của chúng tôi là công trình đầu tiên xem xét các bể bơi ngoài trời", Alfred Bernard, chuyên gia về chất độc tại Đại học Louvain, Brussels, Bỉ phát biểu.
Alfred và cộng sự chứng minh rằng những bể bơi ngoài trời nguy hiểm chẳng kém bể bơi trong nhà do hơi clo tích tụ ở sát mặt nước và không bay đi.
Trong khi đó, trẻ em có xu hướng dành nhiều thời gian hơn cho bể bơi ngoài trời nên khả năng chúng uống nước nước hoặc hít thở không khí nhiễm hơi clo là rất lớn. Khi vào cơ thể, clo tấn công hệ thống ngăn chặn tác nhân gây dị ứng của phổi.
Để tìm hiểu vấn đề, nhóm nghiên cứu kiểm tra 847 thiếu niên ở độ tuổi 15. Họ cũng hỏi cha mẹ các em về việc phơi nhiễm với những nguy cơ gây bệnh hen suyễn như khói thuốc, ô nhiễm không khí, tiếp xúc với vật nuôi, bơi trong bể có clo.
Kết quả cho thấy những trẻ bơi ở bể nhiều nhất - một giờ mỗi tuần trong 10 năm trở lên - có nguy cơ mắc hen suyễn cao gấp 5 lần so với những em chưa bao giờ bơi ở bể.
"Càng ít tuổi, trẻ càng hay uống và hít nhiều nước vào đường hô hấp trong lúc bơi ở bể. Vì thế, nguy cơ bị hen suyễn của các em cũng cao hơn", Bernard nhận định.
Hen suyễn, một trong những bệnh mãn tính phổ biến nhất ở trẻ em, tấn công hơn 300 triệu người trên toàn thế giới. Các triệu chứng của bệnh gồm khó thở, ho, thắt ngực và thở khò khè.
Việt Linh (theo Reuters)