Thông tin được đưa ra tại hội thảo về vai trò của việc bổ sung các vi khuẩn có lợi lên tình trạng dinh dưỡng, miễn dịch và tiêu hóa của trẻ do Viện Y học Ứng dụng, Tổng hội Y học Việt Nam, chiều 5/8.
Phó giáo sư Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế, cho biết, gần đây, tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng nhẹ cân đến Viện khám có xu hướng giảm nhưng tỷ lệ rối loạn tiêu hóa lại tăng. Nguyên nhân có thể do vấn đề ô nhiễm môi trường, sử dụng kháng sinh quá rộng rãi, nhiễm virus gây tiêu chảy... Việc tiêu chảy kéo dài khiến trẻ suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Những trẻ sử dụng kháng sinh kéo dài hoặc lặp lại, phối hợp nhiều kháng sinh, dùng đường uống... có nguy cơ cao bị tiêu chảy do dùng kháng sinh. Lý do là kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi, gây tình trạng rối loạn tiêu hóa - tiêu chảy do rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột.
Tại nhiều bệnh viện, nhiều trẻ đến khám vì có hiện tượng tiêu chảy kéo dài sau đợt điều trị kháng sinh dài ngày. Nhiều bé ngay sau khi uống kháng sinh đã có biểu hiện tiêu chảy.
“Điều này cho thấy cân bằng vi khuẩn trong đường ruột là một vấn đề mới, đang được quan tâm, nghiên cứu nhiều. Trước kia, chúng ta hiểu vi khuẩn ký sinh trong cơ thể là gây hại, nhưng thực chất cơ thể lại được hưởng lợi từ một số vi khuẩn”, Giáo sư Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam nói.
Hiện các vi sinh vật sống - những thành phần có lợi cho sức khỏe cơ thể đã được vào sử dụng với một lượng thích hợp được gọi chung là các probiotics. Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận hiệu quả của hỗn hợp một hoặc nhiều vi khuẩn này trong điều trị tiêu chảy liên quan sử dụng kháng sinh, bệnh dị ứng, cải thiện dinh dưỡng, tăng cường miễn dịch...
Theo giáo sư Nguyễn Gia Khánh, Hội Nhi khoa Việt Nam, các vi khuẩn có lợi này gồm nhiều loại và nhiều chủng khác nhau. Hiện các nhà khoa học mới chỉ định tuýp và nuôi cấy được 30% trong số các vi khuẩn trong ruột. Mỗi loại có chức năng đặc biệt riêng. Bản thân các vi khuẩn có lợi này cũng có trong các sản phẩm tự nhiên như sữa, sữa chua, pho mát, kim chi, cà muối, dưa chua, các loại mắm... tuy nhiên số lượng không đủ khi cần điều trị.
Các nhà khoa trên thế giới đang tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến các chủng vi khuẩn, liệu lượng sử dụng, hiệu quả thực tế trong điều trị dự phòng và các bằng chứng nghiên cứu rõ ràng.
Phương Trang