Nhà tôi ở Hải Phòng, còn nhà ngoại ở Quảng Ninh. Khi ở nhà ngoại, cháu được ông bà cho đi trẻ 13 ngày. Trong thời gian ấy, thứ 7 và chủ nhật tuần nào tôi cũng về chơi với con. Mỗi lần cháu nhìn thấy tôi đều khóc và đòi bố.
Sau hơn một tháng, tôi ra đón cháu về, khi lên xe cháu lại khóc nhớ bố, ôm hai tai rồi chỉ tay lên đầu. Sau đó khi về nhà tôi thấy hiện tượng này diễn ra mỗi khi cháu khóc nên tôi rất lo lắng. Một hai lần cháu còn chỉ tay lên đầu và kêu đau. Hôm qua, vì cháu nghịch quá nên tôi có quát con, lập tức cháu tỏ ra rất sợ và lại ôm đầu, cúi xuống đất rồi chỉ tay vào đầu và khóc. Trước đây, cháu chưa bao giờ bị như vậy. Cũng cần phải nói thêm là cháu đang ở với bố và ông bà nội, còn mẹ cháu thì ra ngoài ở riêng.
Trả lời
Anh Cường thân mến!
Nghe anh kể về hoàn cảnh và môi trường sống của cháu, tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng như anh mô tả: đó có thể là các nguyên nhân từ môi trường xã hội hay áp lực tâm lý và nguyên nhân bệnh lý. Anh nên cho cháu kiểm tra ở cơ sở y tế. Hy vọng điện não đồ sẽ cho ta biết căn nguyên bệnh lý hoặc loại trừ được chúng để tìm biện pháp giúp cháu hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, tôi thiên về nguyên nhân là cháu bị thay đổi về môi trường sống và hoàn cảnh gia đình. Có lẽ con anh là đứa trẻ có hệ thần kinh khá nhạy cảm nên dễ bị tổn thương với kích thích. Khi trẻ khóc, toàn bộ hệ thần kinh của cháu bị kích hoạt, cảm giác căng thẳng trong đầu sẽ là điều dễ thấy (ở người trưởng thành cũng vậy). Vì cháu rất nhạy cảm nên cảm nhận ngay sự thay đổi đó, một hiện tượng khác với lúc bình thường.
Hơn nữa, hành vi của cháu cũng có thể là một hành vi tập nhiễm. Thí dụ, một đứa trẻ chứng kiến cảnh người thân, có thể là mẹ, có thể là bà của mình khóc lóc, đau khổ và có hành vi cũng ôm đầu, ôm mặt khóc nức nở... nên giờ đây khi cháu khóc cháu sẽ có hành động tương tự.
Nguyên nhân nữa là do sự thay đổi môi trường sống, việc phải cách ly bố mẹ đã làm cho cháu bị căng thẳng và rồi cháu lại đi học 13 ngày nữa và không biết cháu có thích nghi được không hay những ngày đó đã mang cho cháu sự bất an...
Tất cả cùng một lúc đều trở thành nguyên nhân cho hành vi hoặc dấu hiệu bị tổn thương ở cháu. Điều anh nên làm bây giờ là nói chuyện với vợ để hai vợ chồng vì con mà cố gắng tạo cho cháu môi trường sống gia đình êm ái, đầy tình yêu thương. Ông bà thật tuyệt vời nhưng không thể thay thế bố mẹ của cháu. Hãy để cho cháu cảm thấy an toàn, có sự che chở của người sinh thành ra mình. Sự bình an về mặt tinh thần là điều vô cùng quan trọng đối với trẻ, đặc biệt với cháu nhà anh trong giai đoạn này.
Trong cuộc sống hằng ngày, hai vợ chồng tránh những xô xát, tranh cãi trước mặt cháu và cũng đừng vô cớ mà mắng hay đánh cháu. Cháu đang rất cần tình thương và sự bình an. Trẻ chưa nói được mọi điều nhưng rất nhạy cảm.
Chúc anh bình tĩnh và cho cháu sự sum vầy của gia đình.
(Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa, chuyên gia Tâm lý Công ty con Đường mới Equest, Trường Mầm Non Hoàng Gia, 343 Đội Cấn và 37 Tạ Quang Bửu)