Cùng Vietraveler khám phá các lễ hội nổi tiếng khắp miền Bắc.
Lễ hội chùa Hương
Chùa Hương là cách gọi vắn tắt của Hương Sơn - danh lam thắng cảnh ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Lễ hội chùa Hương bắt đầu từ mồng 6 tháng Giêng và kéo dài ba tháng. Suốt mùa lễ hội, khách hành hương tấp nập đổ về tạo nên bầu không khí nhộn nhịp.
Lễ chùa được tổ chức long trọng, có lễ rước thần và rước văn. Kiệu cùng dàn cờ trống đĩnh đạc đi trước, dàn nhạc lễ rộn ràng nối bước theo sau. Nam thanh nữ tú cùng các bô lão mặc áo lễ cung kính hộ tống. Lễ chùa có dâng hương, hoa trái, cỗ chay cúng Phật. Người hành hương từ khắp nơi thành tâm cầu mong gia đạo bình an, sự nghiệp thăng tiến. Hương khói trong chùa không bao giờ dứt.
Hội chùa Hương thu hút với các màn hát chèo, hát văn, bơi thuyền, leo núi, vào hang. Động Hương Tích được mệnh danh Nam thiên đệ nhất động chứa nhiều thạch nhũ với nhiều hình thù độc đáo như nong tằm, né kén, ao bèo… Suối Giải Oan, động Hinh Bồng, chùa Thiên Trù, đền Vân Song đều là những điểm hấp dẫn của quần thể Hương Sơn. Hành hương mùa xuân, du khách còn có dịp ngắm rừng hoa mơ nở trắng trời. Sắc trắng hoa mơ hòa với sắc xanh núi đồi bảng lảng trong sương khói mùa xuân tạo nên khung cảnh thần tiên, mơ mộng.
Lễ hội chùa Bái Đính
Quần thể núi chùa Bái Đính nằm trong dãy núi Tràng An, phía Tây cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Bái Đính trước kia là ngôi cổ tự nhỏ, do nhà sư Nguyễn Minh Không khởi lập từ năm 1136. Năm 2003, Bái Đính xây khu chùa mới, xác lập nhiều kỷ lục như tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất châu Á, hành lang La Hán lớn nhất Châu Á… Cảnh non nước hùng vĩ, hữu tình cùng không gian Phật giáo tĩnh tại mang đến cho con người cảm giác an lạc, thư thái.
Lễ hội chùa Bái Đính thường bắt đầu từ mồng 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng ba âm lịch. Chuyến hành hương cầu an, chiêm bái ngôi chùa linh thiêng bậc nhất Việt Nam khiến mùa xuân của gia đình thêm trọn vẹn. Sáng mồng 6, người viếng chùa nô nức, hàng nghìn tăng ni kính cẩn làm lễ dâng hương đức Phật, tưởng nhớ nhà sư Nguyễn Minh Không, thần Cao Sơn và Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Đến phần hội, khách hành hương có dịp ôn lại lịch sử của cố đô Hoa Lư một thời lẫy lừng. Đoàn nghệ thuật chèo Ninh Bình biểu diễn trống hội Hoa Lư, tái hiện lại cảnh đăng đàn Xã Tắc của Đinh Bộ Lĩnh và lễ tế cờ xung trận của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Lễ hội chùa Bái Đính chỉ diễn ra vào mùa xuân, nên dịp này, hàng triệu lượt người đổ về để vừa lễ Phật, vừa thưởng thức chương trình nghệ thuật dân tộc như hát chèo, hát xẩm, ca trù.
Lễ hội mùa xuân Yên Tử
Đỉnh thiêng Yên Tử, nơi cội nguồn của thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, khai lễ mở hội vào mồng 9 tháng Giêng hàng năm. Ca dao có câu: "Trăm năm tích đức tu hành. Chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu". Hành hương Yên Tử đã trở thành tâm nguyện của những người hướng về Phật giáo.
Lễ hội Yên Tử đơn giản nhưng không kém phần thiêng liêng. Trong phần lễ, các vị hòa thượng làm lễ cầu an, cầu mong đất nước thái bình, nhân dân no ấm, khai ấn và đóng ấn cầu may cho người xin lễ. Phần hội lại diễn ra rất vui tươi, náo nhiệt đúng chất ngày xuân. Múa lân sư rồng, trống hội tưng bừng, văn nghệ ca hát đối đáp rất hấp dẫn.
Trước mùa hành hương bạn cần chuẩn bị một sức khỏe tốt, dẻo dai để khám phá hết các thắng cảnh của non thiêng. Đến chân Yên Tử, bạn viếng chùa Giải Oan, nơi có ngọn tháp tương truyền là mộ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Lên độ cao 543 m bạn sẽ bắt gặp chùa Phù Vân (Hoa Yên) cổ kính, 700 m là nơi tọa lạc ngôi chùa Tiều Vân thấp thoáng trong làn mây. Tuy vậy, đã đến được Yên Tử, khách hành hương phải lên đến chùa Đồng nằm chót vót tên đỉnh núi mới thỏa lòng. Du khách đến đây ai cũng muốn một lần sờ vào chuông đồng, vách chùa để cầu nguyện may mắn, phúc lành. Và từ đỉnh núi bạn có thể phóng tầm mắt bao quát khắp vùng Đông Bắc Việt Nam.
Lễ khai ấn Đền Trần
Lễ hội khai ấn Đền Trần vốn là tục lệ truyền thống của Nam Định. Nhiều năm trở lại đây, lễ hội ngày càng nổi tiếng, thu hút đông đảo người dân khắp nơi đến xin ấn. Từ thời nhà Trần, đến ngày rằm tháng Giêng, vua làm lễ tế tổ tiên, mở tiệc chiêu đãi quần thần có công, khai ấn đầu năm báo hiệu ngày Tết đã hết. Mọi người trở lại với công việc hàng ngày. Dân làng Tức Mạc đã có công lưu giữ truyền thống này đến ngày nay.
Đúng 0 giờ ngày này hàng năm, các bô lão tề tựu về đền Cổ Trạch làm lễ đức Thánh Trần. Vị cao niên nhất làng đứng ra làm lễ, sau đó mọi người rước ấn sang đền Thiên Trường khai ấn. Cuối cùng, người trong nhà đền đóng dấu son vào giấy vàng phân phát cho người đến dự lễ hội. Ấn đền Trần có hai quả, quả nhỏ khắc chữ "Trần Triều", quả lớn khắc chữ "Trần triều từ điển. Tứ Phúc vô cương" theo kiểu chữ triện. Lễ khai ấn diễn ra giữa đêm nên dòng người cũng kéo về đền từ rất sớm. Rút kinh nghiệm những năm trước người dân chen lấn, tranh cướp lá ấn, từ năm 2014, ban tổ chức chỉ bắt đầu phát ấn từ 7h sáng. Trong tiếng trống lân rộn rã, người người ăm ắp ước vọng chờ mong cầm trong tay lá ấn đầy ý nghĩa. Người xin ấn đền Trần tin rằng lá ấn mang đến phúc đức, tài lộc, tránh rủi ro trong năm mới. Đây là tục lệ đẹp thể hiện sự tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc.
Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc
Là quần thể di tích đặc biệt của Việt Nam, nằm ở huyện Chí Linh, Hải Dương. Vùng đất này gắn liền với sự nghiệp và cuộc đời của nhiều danh nhân lớn như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, nhà sư Huyền Quang...
Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc là lễ hội tưởng nhớ công đức cha ông và cầu nguyện quốc thái dân an. Nhiều hoạt động mang sắc thái văn hóa truyền thống dân tộc diễn ra sôi nối như hội thi bánh chưng, bánh giày, pháo đất, chọi gà, đấu vật... Phần lễ dâng hương, bánh chưng, bánh giày chùa Côn Sơn, đền thờ Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi... diễn ra cung kính trang nghiêm. Cờ xí ngợp trời, đoàn người làm lễ chỉnh tề trong trang phục truyền thống khiến không khí trang trọng, linh đình. Bên cạnh lễ hội chính, Côn Sơn - Kiếp Bạc còn có các lễ khác như lễ tế trời đất trên Ngũ nhạc Linh Từ cầu bình an, hạnh phúc cho bá tánh, quốc thái dân an.
Thu Lam