Anh lấy từng món ra, xem xét một cách cẩn thận và bắt đầu phân loại theo phương pháp của Marie Kondon, chuyên gia dọn dẹp nổi tiếng người Nhật. Banks tự hỏi ý nghĩa của từng món đồ đối với cảm xúc của mình. Nếu không thể trả lời, anh sẽ quyên góp chúng cho tổ chức từ thiện.
Banks là một YouTuber nổi tiếng với 130.000 người theo dõi. Đồ đạc trong căn hộ của anh ở Wisconsin chỉ ở mức cơ bản, một chiếc sofa, tivi, một bàn gỗ, bốn chiếc ghế, vài chậu cây và bức tranh. Banks chọn sống như vậy bởi anh quan niệm chủ nghĩa tối giản là loại bỏ bớt những thứ không quan trọng.
Giờ gần 30 tuổi, Banks không chỉ bỏ bớt quần áo, đồ đạc mà còn dọn dẹp các mối quan hệ không còn giá trị với mình. Anh là một trong những người trẻ "tối giản cảm xúc". Họ sẵn sàng chấm dứt tình bạn không như ý và hài lòng với số bạn ít mà chất lượng. Nếu thành phố đang ở không còn đem tới niềm vui, họ sẽ chuyển đi. Để tránh những tương tác cảm xúc không cần thiết với thế giới, vài người thậm chí không dùng điện thoại thông minh hoặc mạng xã hội.
Theo Banks, sống có chủ đích không dừng lại ở việc kiểm soát sự sở hữu vật chất mà còn là số lượng bạn bè và những giá trị theo đuổi. Trong một video về tối giản tài chính, Banks miêu tả công thức tính chi phí mỗi lần sử dụng trước khi mua sắm một món đồ nào đó. "Tôi đánh giá món đồ đó với thói quen, lối sống của mình và tự hỏi mình có dùng nó đủ nhiều đến mức cần chi tiền không", anh giải thích.
Sau khi thực hành tối giản cho toàn bộ cuộc sống của mình, Banks quyết định tránh mặt bạn bè, xem ai sẽ chủ động liên hệ với mình sau vài tuần yên lặng, từ đó xem mối quan hệ nào đáng trân trọng. Anh dọn dẹp đời sống xã hội như cách đã làm với tủ quần áo.
"Ban đầu, tôi sốc vì thấy họ không trân trọng tôi như tôi trân trọng họ", Banks chia sẻ. Dù không mấy dễ chịu, quá trình này cũng giúp Banks hiểu hơn về những người xung quanh mình.
Kelly Stamps 25 tuổi chung quan điểm với Banks và tự nhận "cả cuộc đời mình có thể được gói gọn một chiếc vali". Phòng ngủ của Stamps chỉ có một chiếc giường, một chiếc đệm và một cái đồng hồ báo thức. Stamps vốn định trải đệm lên sàn nhưng sau phải sắm giường do New York rất nhiều gián.
Về quần áo, Stamps có một đôi bốt của hãng Miu Miu, một bộ liền thân màu trơn và vài chiếc váy kiểu cơ bản. Mỗi lần chuyển chỗ ở, cô lại bán bớt quần áo trước khi mua sắm thêm và điều chỉnh phong cách cho phù hợp với nơi mình sắp tới.
Cách sống của Stamps cũng bao gồm việc tránh xa phần lớn nền tảng mạng xã hội. Cô chỉ dùng Instagram và YouTube cho mục đích kinh doanh. Thay vì iPhone, Stamps xài máy điện thoại nắp gập cũ. "Tôi đang cố trở lại cuộc sống đơn giản. Ngày nay, một chiếc iPhone có giá gần 1.000 USD. Tôi chỉ cần một thứ có thể gọi 911 phòng trường hợp khẩn cấp", Stamps chia sẻ.
Stamps không sắm gương với lý do: "Tại sao tôi phải cố gắng gây ấn tượng với những người mình thậm chí không ưa". Cô cũng từ bỏ hầu hết các mối quan hệ bạn bè.
"Trước kia, tôi có khoảng 20 người bên cạnh và gọi họ là bạn. Nhưng khi chơi với từng ấy người, bạn nhất định sẽ gặp những tình bạn không an toàn", Stamps kể. "Tôi thà ở một mình còn hơn ở với những người khiến tôi cô đơn". Hiện cô chỉ có bốn người bạn.
Bằng cách cắt giảm bạn bè, Stamps cảm thấy bản thân phát triển hơn. Những lúc một mình, cô khám phá những sở thích mới cùng những thay đổi về nghề nghiệp.
James Sweetland, một YouTuber ngoài 20 tuổi quyết định ngừng hẹn hò để tối giản mối quan hệ. "Tôi đã không quan hệ tình dục một thời gian rồi", anh thừa nhận.
Sau khi viết ra mục tiêu hàng năm, Sweetland nhận ra yêu đương không phải thứ cần được ưu tiên. Anh thấy hẹn hò vô bổ và lãng phí thời gian, năng lượng trong khi đây là những thứ có hạn. "Tôi có thể chuyển thời gian và năng lượng đó sang các lĩnh vực khác trong đời sống", chàng trai giãi bày.
Tất nhiên, lối sống tối giản cảm xúc cũng bị chỉ trích.
"Nhiều năm nay, tôi thấy nhẹ nhàng và tự do nhờ lối sống tối giản. Nhưng dần dần, tôi nhận ra mình đã đi quá xa", YouTuber Lana Blakely 25 tuổi thổ lộ. Trong một video, cô thừa nhận mình sắm ít đồ đạc đến mức không đủ cốc và chỗ ngồi cho khách.
Tim Tarafas, một influencer (người có ảnh hưởng) gọi chủ nghĩa tối giản là "trò lừa đảo". Anh mô tả một video chủ đề tối giản điển hình thường là một người ngồi trước bức tường trống, mặc toàn đồ đen và rao giảng việc sống chỉ với những thứ thiết yếu sẽ đem tới sự thỏa mãn bất tận thế nào. "Những video đó khiến chủ nghĩa tối giản trở nên đẹp đẽ nhưng cũng biến lối sống này thành một kiểu giáo phái", Tarafas nói.
Thực tế, một số người gặp vấn đề đời tư do theo đuổi phong cách tối giản. Chọn theo lối sống này, blogger Jennifer Ullrich được chồng ủng hộ nhưng vấp phải sự phản đối dữ dội từ chính gia đình mình.
Dù sao đi nữa, những người theo chủ nghĩa tối giản vẫn khẳng định lối sống này giúp họ "lột xác" và tìm thấy bản ngã của mình. Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra chủ nghĩa tối giản khiến con người hạnh phúc hơn.
YouTuber Nicholas Garofola chia sẻ chủ nghĩa tối giản đã giúp anh giảm được số quyết định phải đưa ra trong một ngày, nhờ vậy đẩy lùi lo âu. "Tôi nhận ra những thứ đáng đáng để đầu tư thời gian, năng lượng", anh nói.
Với Banks, trước khi theo chủ nghĩa tối giản, anh phải sống dưới lớp vỏ một chàng trai tự tin, đáng ngưỡng mộ như bạn bè đánh giá. "Mọi thứ tôi làm hay mua đều phải phù hợp với con người đó", Banks kể.
Banks nhận ra việc cố gắng duy trì lớp vỏ đó quá khó, như thể mình phải sống theo kỳ vọng của người khác chứ không được sống thật với bản thân. Mọi thứ chỉ thay đổi khi anh biết đến chủ nghĩa tối giản.
"Đừng tiếp cận chủ nghĩa tối giản như một cách để hòa nhập. Hãy tiếp cận nó với mục tiêu sống có chủ đích hơn trong mọi khía cạnh", Banks nhắn nhủ.
Thu Nguyệt (Theo Guardian)