Thị trường xuất bản truyện tranh Việt được cho là khởi sắc từ năm 1992, từ thành công của bộ truyện Doraemon. Tiếng vang của tác phẩm về chú mèo máy Nhật Bản kéo theo hàng loạt truyện tranh thống lĩnh thị trường khi đó như: Bảy viên ngọc rồng, Thủy thủ mặt trăng, Nhóc Maruko, Siêu quậy Teppi...
Năm 2004, công ước Berne áp dụng ở Việt Nam. Theo nhà xuất bản Kim Đồng, do vấn đề tác quyền, các đơn vị phát hành mới hướng đến nhu cầu tự sản xuất truyện tranh trong nước. Đi đầu hoạt động này là công ty Phan Thị với series gây tiếng vang: Thần đồng đất Việt.
Kể từ khi phong trào sáng tác truyện tranh thuần Việt được phát động, hàng loạt họa sĩ thế hệ 8X được phát hiện và tỏa sáng như BRO, nhóm Phong Dương Comic... Sau hơn 10 năm, các cá nhân, hội, nhóm, diễn đàn vẽ truyện phát triển nhiều hơn. Theo thống kê của một diễn đàn, hầu như tỉnh, thành nào cũng có ít nhất một nhóm vẽ truyện tranh. "Ở Hà Nội và TP HCM, số cá nhân và hội nhóm yêu thích sáng tạo truyện, đưa lên mạng chia sẻ khá nhiều. Tính sơ cũng gần 10 nhóm, toàn người trẻ thế hệ 8X và 9X", Khương Phúc, một họa sĩ truyện tranh, cho biết.
Nhóm Phong Dương Comic dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào các nhà xuất bản bằng cách huy động vốn cộng đồng để tự phát hành các tác phẩm của mình. |
Chị Nga, người quản lý một diễn đàn truyện tranh, chia sẻ."Trung bình một ngày, diễn đàn của tôi có tới vài chục tác phẩm tự phát được đăng tải. Mỗi tác phẩm được các thành viên vào góp ý sôi nổi về ý tưởng và nét vẽ. Chúng tôi thường xuyên tổ chức bình chọn và trao giải cho các tác phẩm có ý tưởng tốt và nét vẽ đẹp".
Sự xuất hiện của những nhân tố trẻ đem đến làn gió mới cho diện mạo truyện tranh Việt Nam. Nhiều câu chuyện lịch sử, văn hóa được khai thác dưới góc nhìn gần gũi với đời sống hàng ngày khiến trẻ em thích thú. Sự đa dạng về đề tài, tính hài hước và ngôn ngữ bắt kịp cuộc sống hiện đại cùng nhịp điệu của giới trẻ là các yếu tố khiến truyện tranh Việt được chú ý. Phong cách của các họa sĩ trẻ chịu ảnh hưởng từ hai cách vẽ thịnh hành trên thế giới là Manga và Comic.
Các truyện tranh Thần đồng đất Việt, Long thần tướng, Sát thủ đầu mưng mủ, Orange... tạo được hiệu ứng tốt trên thị trường. Chị Huệ, nhà ở quận Bình Tân, TP HCM cho biết: "Con gái tôi năm nay học lớp hai, con trai học lớp 11 đều rất mê Thần đồng đất Việt. Với chuyện gì hàng ngày, chúng cũng trích dẫn trong đó để giải thích. Tôi mắng điều gì, hai đứa đều viện lý lẽ trong truyện để đối đáp lại mẹ".
Họa sĩ Nguyễn Thành Phong - thành viên nhóm Phong Dương Comic - nhận xét: "Ngày càng nhiều tác giả, tác phẩm mới được bạn đọc đón nhận như: Chuyện tào lao của Vàng Vàng (Phan Kim Thanh), Nhật ký Mèo Mốc, Truyện cực ngắn (Đào Quang Huy)... cùng hàng loạt trang web comic. Đây là tín hiệu lạc quan cho cộng đồng tác giả truyện tranh tại Việt Nam".
Nhiều họa sĩ trẻ như Thành Phong, BRO... đều trưởng thành từ việc vẽ minh họa cho "Thần đồng đất Việt". |
Tuy vậy, những người đam mê sáng tạo truyện tranh cho rằng, sân chơi dành cho họ còn khá hẹp.
Nhiều họa sĩ trẻ vẫn phải kiếm sống từ nhiều nguồn chứ không thể trông chờ vào sáng tác truyện tranh. Họa sĩ Lê Bách, người phụ trách mỹ thuật cho bộ truyện Học viện bóng đá, cho biết anh phải làm thêm công việc vẽ minh họa, vẽ quảng cáo... mới đủ sống. Còn họa sĩ Khương Phúc chia sẻ: "Họa sĩ trẻ hiện nay phần lớn đều nhận vẽ gia công cho truyện nước ngoài để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi đam mê với truyện tranh thuần Việt".
Ngoài chuyện thù lao chưa tương xứng, việc tìm đầu ra cho tác phẩm cũng gây khó khăn. "Nhu cầu của độc giả trẻ rất khó nắm bắt. Không tác giả nào dám đầu tư từ ý tưởng cho đến xin giấy phép xuất bản, phát hành. Cánh cửa tiếp cận với các nhà xuất bản cũng hẹp vì sức cạnh tranh của truyện tranh nước ngoài rất lớn", họa sĩ Lê Bách cho biết.
Một thực tế khác được họa sĩ Hổng Sơn - người có thâm niên trong một hãng phim hoạt hình - chia sẻ là các cuộc thi sáng tác truyện tranh thường treo giải thưởng thấp. Trước kia, Phan Thị là đơn vị xuất bản đi đầu trong các cuộc thi vận động sáng tác truyện tranh, từng là nơi ươm mầm cho các tác giả Nguyễn Thành Phong, Nguyễn Minh Mẫn, nhóm BRO... Tuy nhiên, thời gian gần đây, đơn vị này hạn chế hoạt động tài trợ cho nhiều cuộc thi sáng tác. Mới đây, giá trị giải thưởng của cuộc thi thường niên trên một diễn đàn bị giảm đáng kể vì không có sự đồng hành của Phan Thị, theo thông báo từ ban điều hành.
"Truyện tranh dù sao cũng là một ngành non trẻ và mới phát triển tại Việt Nam. Những gì các tác giả trẻ thể hiện không thua kém với các nước trong khu vực. Nếu có thêm nguồn đầu tư và ủng hộ từ phía đơn vị xuất bản và bạn đọc, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng một tương lai tươi sáng hơn cho truyện tranh Việt Nam", họa sĩ Nguyễn Thành Phong nói.
Châu Mỹ