"Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc trước sự ra đi của ông", dòng chữ trên màn hình viết. Trong tiếng nhạc xập xình, các vũ công không ngừng uốn éo, thậm chí lại gần các khán giả để khoe ngực và biểu diễn các động tác gợi dục. Đám đông la hét, cười đùa, huýt sáo, hoan nghênh. Tiếng một người nhắc "không được chụp ảnh" văng vẳng. Theo Global Times, đây là hình thức tang lễ hiện đại đang ngày càng phổ biến ở một số vùng nông thôn Trung Quốc.
Người dân lâu nay thường thuê các nghệ sĩ Kinh kịch địa phương đến diễn tại đám tang để thu hút càng đông người đến viếng càng tốt, nhằm chứng tỏ người đã ra đi được kính trọng và có con cháu "hiếu thảo".
Trong những thập kỷ gần đây, khi đời sống ngày một khá giả, họ bắt đầu phô trương sự giàu có bằng cách thuê các diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ hài đến biểu diễn tại đám tang rồi biến tấu thành các vũ công thoát y để phục vụ cho những người đến viếng.
Bộ Văn hóa Trung Quốc tháng trước tuyên bố cơ quan này sẽ tiến hành chiến dịch xóa sổ các màn biểu diễn "phản cảm, gợi dục" tại các đám tang, đám cưới, đền chùa và những sự kiện truyền thống chung của cộng đồng tại 19 thành phố khắp 4 tỉnh Hà Nam, An Huy, Giang Tô và Hồ Bắc. Hoạt động này được mô tả là bất hợp pháp và trái với "đạo đức xã hội". Một đường dây nóng cũng được thiết lập để người dân báo cáo các trường hợp vi phạm và nhận tiền thưởng.
Giới chức nước này bắt đầu chiến dịch trấn áp các màn biểu diễn thoát y từ năm 2006 và cuộc trấn áp thứ hai diễn ra vào năm 2015. Khi đó, Bộ Văn hóa Trung Quốc đã liệt kê một loạt cá nhân và hội nhóm vào "danh sách đen" do tham gia hoạt động trên.
Trong số đó có một nhóm múa thoát y mang tên "Red Rose Song and Dance Troupe", từng biểu diễn tại đám tang của một người cao tuổi ở tỉnh Hà Bắc hồi tháng 2/2015. Nhóm này hát múa một bài truyền thống, sau đó cởi quần áo. Trưởng nhóm tên Li đã bị giam giữ 15 ngày và phạt 70.000 nhân dân tệ (hơn 11.000 USD).
Những bức ảnh lan truyền trên mạng còn cho thấy các vũ công mời những người đàn ông "đang đau buồn" lên sân khấu và cởi đồ cho họ. Trẻ em và người lớn đứng quanh chăm chú theo dõi.
Từ đời nhà Thanh, Trung Quốc đã có truyền thống giải trí cho khách đến viếng trong lễ tang. Đặc biệt ở các dân tộc thiểu số có quan niệm rằng "vui trong đám tang nhưng buồn trong đám cưới".
Tuy nhiên, hình thức múa thoát y mới xuất hiện tại các tang lễ từ những năm 1990. Các chuyên gia nhận định rằng hiện tượng này phần nào xuất phát từ tín ngưỡng phồn thực. "Trong một số nền văn hóa địa phương, việc nhảy múa với các động tác khiêu gợi được dùng để chuyển tải mong muốn con đàn cháu đống của người đã khuất", giáo sư Huang Jianxing, trường đại học Phúc Kiến, cho hay.
Giáo sư Wei, đại học Trung ương, cho rằng người dân nông thôn chưa được đáp ứng đầy đủ nhu cầu về tinh thần: "Các trung tâm giải trí công cộng không thích hợp với người dân nông thôn, khiến đời sống tinh thần của nông dân bị thiếu hụt, tạo điều kiện cho hình thức giải trí phản cảm lên ngôi".
Trong khi phần đa người dân chấp nhận những màn múa thoát y trong các đám tang, hình thức này bị các chuyên gia đánh giá là "văn hóa lùn" và gây nguy hại đến đạo đức chung. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng chỉ trích vấn nạn này và một bộ phận dư luận kêu gọi chính phủ bổ sung các sản phẩm làm giàu tinh thần cho người dân ở các làng quê.
"Tôi không xem những màn biểu diễn này là 'rác rưởi của văn hóa truyền thống nông thôn'. Nó là tàn dư của nền văn minh địa phương. Thay vì lên án đơn thuần, việc quan trọng hơn là giới chức cần cung cấp cho người dân nông thôn các sản phẩm văn hóa tốt hơn", giáo sư Huang nói.
Anh Ngọc