Quán ăn im lặng như thể được thiết kế cho thời kỳ hậu Covid-19 nhưng thực chất để phục vụ đối tượng khách hàng mới ngày càng tăng lên trong xã hội Trung Quốc: Những người trẻ đi ăn một mình.
Trước kia, đi ăn một mình là hiện tượng hiếm thấy ở Trung Quốc. Người dân nước này thường đi ăn theo nhóm đông và ngồi quanh một chiếc bàn tròn. Gần đây, truyền thống này đang thay đổi bởi lối sống độc thân của thế hệ trẻ.
Không còn cố gắng kết hôn ngay sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều thanh niên Trung Quốc trì hoãn việc lập gia đình đến tuổi 30. Thay vì sống với gia đình, họ chuyển tới các thành phố lớn, lao đầu vào công việc và do đó càng ít thời gian giao lưu.
Theo số liệu được chính phủ công bố năm ngoái, số người không kết hôn ở Trung Quốc đã vượt quá 200 triệu. Dự báo đến năm 2021, tổng số người sống một mình ở nước này sẽ lên tới 90 triệu.
Quán mì 23 Seats ở Bắc Kinh là một trong những cơ sở kinh doanh phục vụ cho những "độc khuyển", cách người độc thân ở Trung Quốc tự chế giễu bản thân.
Sun Yun 33 tuổi, đồng sở hữu 23 Sears cho biết phong cách trang trí của quán nhằm thu hút những khách hàng muốn thưởng thức đồ ăn ngon mà không phải lo về việc không có ai đi cùng. "Chúng tôi có thể thay đổi thiết kế để bố trí nhiều chỗ ngồi hơn nhưng cuối cùng đã chọn cách này", Sun chia sẻ. "Chúng tôi muốn tạo ra không gian để những người đi ăn một mình cảm thấy thoải mái khi bước vào".
Sun ước tính 50% khách hàng tới quán anh đi ăn một mình. Sau một năm hoạt động, 23 Seats đã lọt vào danh sách những quán ăn được đánh giá cao nhất trên ứng dụng xếp hạng nhà hàng Dianping.
Chung suy nghĩ với 23 Seats, Haidilao, chuỗi nhà hàng lẩu nổi tiếng, bày gấu bông khổng lồ trên những chiếc ghế trống để thực khách tới ăn một mình có "bạn" ngồi cùng. Một số nhà hàng khác giới thiệu suất ăn "thân thiện với người độc thân" với khẩu phần nhỏ hơn suất thông thường.
Trào lưu "khoe đi ăn một mình" cũng lan rộng trên mạng xã hội. Du Yusang là một trong những ngôi sao mạng xã hội, nổi tiếng nhờ chia sẻ các video ăn uống một mình trên nền tảng streaming Bilibili. Mỗi tuần, cô gái 23 tuổi tự nấu các bữa ăn xa hoa cho bản thân và đăng lên cho 68.000 người theo dõi xem. "Tôi tình cờ xem được một video ăn một mình khi đang trải qua giai đoạn tồi tệ lúc năm cuối đại học. Đoạn video đó đã giúp tôi nhận ra rằng ngay cả khi ở một mình, bạn vẫn có thể sống tốt. Giờ đây, tôi muốn truyền tải thông điệp tương tự", Du nói.
Ngoài các video ăn uống mì Nhật hay cơm cuộn Hàn Quốc, Du còn đăng những đoạn phim ghi cảnh mình vẽ tranh, đọc sách, xem tivi. Tính từ tháng 1/2019 đến nay, cô sản xuất được 50 video, trong đó có video thu hút tới hơn 120.000 lượt xem.
Nội dung của Du chủ yếu nhắm đến những người đang sống một mình hoặc chuẩn bị chuyển ra ở riêng. Theo nữ vlogger, nửa số fan của cô từ 17 đến 25 tuổi và thường xuyên nhắn hỏi kinh nghiệm sống một mình, ví dụ như địa chỉ mua đồ nấu bếp. Du cho biết nhiều công ty đồ gia dụng đã tung ra các bộ sản phẩm thân thiện với người độc thân. Ở nhà, cô cũng có đầy đủ chảo, nồi cơm điện, lò nướng, máy làm sữa đậu nành và nổi lẩu cho một người.
Nhu cầu về các sản phẩm để ăn uống một mình đang tăng nhanh ở Trung Quốc.
Deng Caike, giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển công ty gia dụng Little Bears Electric Appliances cho biết 20 trên 40 danh mục sản phẩm của họ giờ đây đã có tùy chọn thân thiện với người dùng độc thân."Gia đình không còn là đơn vị nhỏ nhất. Chúng tôi sản xuất dựa trên nhu cầu cá nhân", Deng nói.
Theo dữ liệu từ Alibaba, vào lễ hội mua sắm độc thân 11/11 năm ngoái, khách hàng của họ đã mua 2,3 triệu "thiết bị điện mini", doanh số rượu chai nhỏ 200 ml và gói gạo nửa cân cũng tăng 30%.
Những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng lo ngại về xu hướng trì hoãn hôn nhân ở giới trẻ. Một vài chuyên gia nhận đình tỷ lệ sinh giảm sẽ làm suy yếu sự phát triển của đất nước, số khác cho rằng người độc thân với thu nhập thấp sẽ tập trung tiết kiệm tiền, từ đó tạo lực cản đối với tiêu dùng. Tuy nhiên, theo Yuan Yibo, nhà phân tích tại công ty đầu tư Mude Capital, nhiều ngành dịch vụ có thể hưởng lợi từ xu hướng độc thân của giới trẻ như giao đồ ăn, cho thuê bất động sản, bán thú cưng, sản xuất trò chơi điện tử. Những người trẻ độc thân sẽ kích thích nền kinh tế phát triển bởi họ không cần tiết kiệm tiền cho con cái mà có xu hướng chi tiêu tự do.
"Mức chi tiêu của họ sẽ tăng lên cùng thu nhập. Khi biết được thưởng, họ sẽ không ngần ngại tiêu nhiều hơn", Yuan phân tích.
Yitian 30 tuổi ở Thượng Hải tin rằng sống một mình là cách đóng góp cho nền kinh tế. Cô sống một mình từ tháng 7, mỗi tháng tiêu khoảng 6.000 tệ (870 USD). "Khuyết điểm duy nhất của việc sống một mình là tiền thuê nhà và các nhu cầu thiết yếu hàng ngày cao hơn. Nhưng điều đó hoàn toàn xứng đáng", Yitian nói.
Yitian chưa kết hôn, từng sống với bố mẹ nhưng sau đó chuyển ra vì bất đồng quan điểm. Yitian thích ngủ nướng và uống rượu khuya trong khi bố mẹ chỉ giục cô lấy chồng.
Yitian chia sẻ bố mẹ cô từng phản đối chuyện con gái sống một mình vì sợ nguy hiểm. Tuy nhiên, họ thay đổi suy nghĩ bởi trong đợt phong tỏa do Covid-19, đôi bên liên tục cãi nhau.
Thái độ của bạn bè Yitian cho thấy sự thay đổi của xã hội Trung Quốc về việc sống một mình. Theo Yitian, hầu hết bạn bè đều chúc mừng khi cô thông báo ra ở riêng trên mạng xã hội, chỉ có duy nhất một phản hồi tiêu cực đến từ người không mấy thân thiết.
"Giờ là năm 2020 rồi, đã tới lúc chấm dứt định kiến về người sống một mình", Yitian nhấn mạnh.
Thu Nguyệt (Theo Sixth Tone)