Với gần 305 triệu lượt xem trên TikTok, những video "bed rotting" quay người trẻ nằm dài trên giường cả ngày cho thấy xu hướng chăm sóc bản thân mới nhất của Gen Z Mỹ. Nhiều người khẳng định đây là một cách tuyệt vời để lấy lại sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, dù là để hồi phục sau một trận ốm, một tuần làm việc bận rộn hay một cơn say khó chịu.
Theo lời của những người này, việc nằm dài trên giường không chỉ là một sở thích và một niềm đam mê, mà còn giúp tăng cường ý chí và là một cách để gắn kết với những người cùng "chí hướng".
Ngoài ra, nhiều Gen Z cũng lưu ý rằng để đạt hiệu quả "chữa lành" việc nằm dài trên giường phải có chủ ý và không có cảm giác tội lỗi hay áp lực công việc.
Tuy nhiên trào lưu này đã vấp phải nhiều chỉ trích, với nhiều ý kiến cho rằng đây là một ví dụ khác về sự lười biếng, cũng như mặt xấu của việc tự chăm sóc bản thân.
Simon A. Rego, nhà tâm lý học và giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi tại Đại học Y khoa Albert Einstein (Mỹ) cho biết thoạt nhìn, có rất nhiều điều tốt đẹp có thể đến từ xu hướng mới này. Sống chậm lại, lắng nghe cơ thể và dự đoán thời điểm cần nghỉ ngơi đã được chứng minh là giúp tiếp thêm năng lượng cho bạn cả ở nơi làm việc và ở nhà.
Tuy nhiên, Rego cho biết mọi thứ cần phải được cân bằng và dành quá nhiều thời gian nằm trên giường có thể khiến tâm trạng của bạn bị xáo trộn và gia tăng căng thẳng.
Ông cũng lưu ý rằng việc nằm dài trên giường chỉ có thể cải thiện cảm xúc nhất thời và cần tránh nằm quá mức. Các chuyên gia cũng cảnh báo việc nằm trên giường trong thời gian dài có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tâm thần.
"Sự thôi thúc nằm trên giường cả ngày, đặc biệt nếu xảy ra ngày càng nhiều, có thể là để tránh cảm giác căng thẳng hoặc đau đớn khi thức dậy" , Jessica Gold, giáo sư tâm thần học tại Khoa Y, ĐH Washington (Mỹ) cho biết.
Theo bà Gold loại hành vi này có liên quan đến các triệu chứng trầm cảm và lo lắng cùng với các bệnh tâm thần khác. Việc nằm "thối rữa" trên giường có thể khiến bạn cô lập bản thân, phớt lờ cảm xúc của mình và có thể ngăn cản việc tham gia vào các hoạt động chăm sóc bản thân.
Ngoài ra, việc nằm dài trên giường còn có thể có tác động tiêu cực đến giấc ngủ.
Kelly Glazer Baron, phó giáo sư về gia đình và y tế dự phòng tại Đại học Utah ở Salt Lake (Mỹ) cho biết từ góc độ khoa học về giấc ngủ, việc nằm lì trên giường hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta nên làm.
Theo Baron, chiếc giường chỉ nên dành cho việc ngủ và các hoạt động tình dục, chứ không phải để xem tivi, làm việc hay ăn uống. Bà cũng khuyên rằng nếu bạn không ngủ được trong vòng 30 phút sau khi lên giường hoặc thức hơn 20 phút trong đêm, bạn nên ra khỏi giường,
Tuy nhiên mọi người đều có thể chọn nằm lì trên giường nếu cần, miễn là chúng ta hiểu lý do tại sao lại làm việc đó, cũng như đặt ra giới hạn, Gold chia sẻ. Bà cũng khuyên nên học các kỹ năng đối phó với căng thẳng khác ngoài việc nằm dài trên giường, như đi chơi với bạn bè, tập thể dục hoặc thực hành chánh niệm.
Trong khi ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe và chăm sóc bản thân đã nhanh chóng mở rộng trong những năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch, một số nhà phê bình cho rằng văn hóa chăm sóc sức khỏe đã đi quá xa và thậm chí còn trở nên độc hại. Các xu hướng gần đây như video "Kiểm tra cơ thể" và "Tôi ăn gì trong một ngày" đang trở thành nỗi ám ảnh không lành mạnh về thói quen chăm sóc bản thân và giữ gìn sức khỏe.
Đức Anh (Theo Yahoo News. NYP)