Sự xuất hiện của cái tên mới B's mart đang khiến phân khúc kinh doanh cửa hàng tiện lợi càng thêm nóng. 3 năm trước, đây vốn dĩ là những cửa hàng mang thương hiệu FamilyMart, nhưng một tháng nay khoác chiếc "áo mới" sau thương vụ đổi chủ đình đám. Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái mua lại toàn bộ phần vốn góp trong liên doanh Công ty TNHH Việt Nam FamilyMart và cho ra đời thương hiệu bán lẻ mới. Đối tác Nhật Bản sau khi rút khỏi liên doanh vẫn duy trì một số cửa hàng tiện lợi mang tên FamilyMart tại thị trường Việt Nam. Về phần mình, B's Mart đang có kế hoạch mở thêm 20 cửa hàng nữa, theo Tổng giám đốc Phidsanu Pongwatana.
Hai đại gia bán lẻ Nhật là Family Mart và Ministop đều đánh giá Việt Nam dân số trẻ, độ tuổi trung bình khoảng 27 là điều kiện lý tưởng để phát triển chuỗi "siêu thị mini". Chia sẻ trên tờ Jakarta Post, đại diện Tập đoàn Family Mart và Ministop của Nhật cho biết khách hàng chủ lực của họ tại Việt Nam là học sinh nên khi chọn mặt bằng kinh doanh đều phải ưu tiên gần trường học.
Ghi nhận của VnExpress.net tại B's mart ở quận Tân Bình, quận 10 - nơi đặt trường tiểu học và trung học cơ sở, vào buổi sáng và buổi chiều có rất đông học sinh vào đây. Mì gói, bánh sandwich, kem tươi... bán chạy. Nhiều học sinh trong lúc chờ bố mẹ đến đón ngồi tại đây ăn mì, uống nước, chơi đùa với nhau.
Ghi dấu ấn mạnh tại thị trường Việt Nam còn có Circle K - tập đoàn đã có 50 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp bán lẻ thế giới. Khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam từ tháng 12/2008, hiện Circle K có hơn 40 điểm giao dịch tại TP HCM, mở cửa 24 giờ một ngày và suốt 7 ngày trong tuần, với đối tượng khách hàng chủ yếu là giới trẻ.
Theo tờ Bangkok Post, một đại gia bán lẻ đến từ Thái Lan đã lên kế hoạch xâm nhập vào thị trường bán lẻ Việt Nam, dự kiến rót vốn từ 1 tới 3 tỷ baht (32-96 triệu USD) để thâm nhập lĩnh vực kinh doanh cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam trong năm nay. Ông kỳ vọng chuỗi bán lẻ có thể mang lại nguồn thu ít nhất 5 tỷ baht (161 triệu USD) trong năm 2017 và có hơn 70% hàng hóa có xuất xứ từ Thái Lan.
Ưu điểm lớn nhất của cửa hàng tiện lợi, ngoài tiêu chí chất lượng, nguồn gốc sản phẩm là cách trưng bày (tập trung cho hàng hóa thiết yếu) và thời gian hoạt động (mở cửa gần như 24/24). Những cửa hàng này nằm xen kẽ trong khu dân cư, tạo kênh phân phối tiện lợi cho người dân vốn ở xa siêu thị và không muốn đi chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa.
Giới đầu tư trong nước cũng đã nhanh chân nhảy vào phân khúc này. Bên cạnh chuỗi siêu thị Co.opmart, năm 2008, Saigon Co.op cho ra đời chuỗi cửa hàng tiện lợi Co.op Food và hiện gần như phủ khắp các quận huyện, khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP HCM với 61 cửa hàng. Lãnh đạo Saigon Co.op đang lên kế hoạch sẽ tiếp tục mở rộng sang các tỉnh thành khác trong thời gian tới. 90% hàng hóa trong Co.op Food là hàng Việt Nam.
Tới năm 2011, phân khúc "siêu thị mini" xuất hiện những cái tên mới G7 Mart Ministop, New Chợ, Satrafoods cùng tham gia vào. Cửa hàng G7 Mart Ministop đầu tiên được mở tại TP HCM vào tháng 5/2011. Đây là sự liên kết giữa Trung Nguyên và nhà bán lẻ Ministop - thành viên của tập đoàn Aeon, Nhật. Ministop nắm 25% cổ phần và G7 Mart nắm 75% còn lại, tổng số vốn đầu tư khoảng 10 triệu USD.
Liên doanh này từng tuyên bố sẽ mở ít nhất 100 cửa hàng vào năm 2013 và hướng tới mục tiêu 500 cửa hàng trong 5 năm kế tiếp. Tuy nhiên, số lượng cửa hàng hiện chỉ mới đạt con số 17. Hàng hóa tại đây 80% có nguồn gốc Việt Nam, phần còn lại là từ Nhật. Chuỗi cửa hàng G7Mart Ministop theo mô hình chuyển nhượng quyền với sự điều hành bởi Trung Nguyên.
Không rầm rộ quảng cáo, sự ra đời của chuỗi cửa hàng New Chợ vào tháng 2/2011 vẫn gây chú ý trên thị trường, thu hút nhiều bà nội trợ ghé mua. Nhiều ý kiến cho rằng, New Chợ là cánh tay nối dài của hệ thống siêu thị BigC, nhưng siêu thị này chưa chính thức thừa nhận. Hiện tại, New Chợ có 5 cửa hàng ở khu vực TP HCM với khoảng 80% số lượng hàng được sản xuất trong nước.
Nắm trong tay rất nhiều thương hiệu đình đám như Vissan, Cầu Tre, APT, Cofidec... Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho ra mắt 6 cửa hàng thực phẩm tiện lợi mang tên Satrafoods. Đến nay số lượng của hàng tiện lợi đã lên tới con số 23. Chuỗi có khoảng 2.000 mặt hàng, trong đó khoảng 80% là thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh, rau củ quả và hải sản tươi sống, 20% còn lại là các mặt hàng hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng.
Ông Nguyễn Xuân Nhật Huy, Giám đốc điều hành Hit Advertising cho rằng theo xu thế phát triển chung, cửa hàng tiện lợi sẽ phát triển mạnh, đe dọa trực tiếp tới mô hình chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa. Các cửa hàng tiện lợi ngày càng bám sát các khu dân cư, khu chế xuất, công nghiệp thậm chí ra đời trong hẻm hóc Sài Gòn tạo thuận tiện cho người dân mua sắm, nhất là khi họ chỉ muốn mua vài món đồ mà không cần tới siêu thị. Đây cũng là lý do cửa hàng tiện lợi sẽ phát triển song hành cùng siêu thị, thậm chí ngày càng lớn mạnh hơn siêu thị vì họ dần trở thành các "cửa hàng tạp hóa thế hệ mới".
Theo ông Huy, trong phân khúc cửa hàng tiện lợi, nhiều đại gia bán lẻ nhắm tới tầng lớp trung lưu trở xuống - phân khúc còn rất nhiều tiềm năng khai phá. Đó là lý do vì sao vẫn có những cửa hàng xuất hiện trong ngóc ngách, chứ không phải ở vị trí mặt tiền đường như các siêu thị, để lôi kéo bộ phận người dân sống quanh khu vực đó.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM từng chia sẻ với VnExpress.net, ưu điểm của cửa hàng tiện lợi là kiểm soát đầu vào hàng hóa chặt chẽ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Điều này phù hợp với xu hướng hiện nay, khi người tiêu dùng có ý thức hơn về việc sử dụng sản phẩm sạch. Một siêu thị thường có khoảng 20.000 - 30.000 mặt hàng với diện tích tổng hợp từ 500 mét vuông trở lên. Nhưng đối với một cửa hàng tiện lợi thì diện tích khoảng 150 mét vuông đã có thể kinh doanh, cung ứng những hàng hóa thiết yếu nhất tới tay người tiêu dùng.
Minh Ngọc - Thi Hà