Từ buồng karaoke mini, quán karaoke...
Au Lai-chong là một chuyên gia tài chính đến từ Hong Kong. Cứ mỗi cuối tuần, cô lại cùng nhóm bạn đi hát karaoke bên trong một trung tâm thương mại. Cô duy trì thói quen này từ khi còn là sinh viên đại học.
Theo SCMP, tại quốc gia đông dân nhất thế giới, việc hát karaoke rất phổ biến và được nhiều người yêu thích, không phân biệt lứa tuổi, từ học sinh, sinh viên, người già đến trẻ nhỏ, từ người làm thuê, nhân viên công sở đến người giàu có. Từ thành phố đến nông thôn, ở đâu cũng gặp cảnh trẻ em theo bố mẹ đến các phòng hát nhỏ, hay các cụ già “luyện” karaoke thay cho Thái Cực quyền.
Dịch vụ karaoke tại Trung Quốc phát triển mạnh để đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân. Theo Echinacities, có thể phân chia thành hai loại: karaoke gia đình và karaoke “đặc biệt”. Karaoke gia đình chủ yếu phục vụ người dùng phổ thông, như phòng mini cho một đến ba người, phòng trung bình cho bốn đến bảy người và phòng lớn từ tám người trở lên.
Không gian của phòng mini thường khép kín, chỉ có vài trang bị đơn giản, như dàn âm thanh, hai micro, hai chiếc ghế, hai tai nghe, màn hình cảm ứng và điều hòa. Người dùng trả phí theo thời gian hoặc theo số lượng bài hát. Các ứng dụng thanh toán di động như WeChat Pay hoặc Alipay sẵn sàng được tích hợp để hỗ trợ hoàn tất giao dịch.
Các buồng hát có giá khoảng 8 nhân dân tệ (1,2 USD) cho một bài hát và 38 nhân dân tệ cho nửa giờ sử dụng. Bên cạnh hát, người dùng có thể thu âm và chia sẻ lên Internet.
“Tôi thích hát karaoke với buồng mini này một mình, bởi khi đó có cảm giác thoải mái nhất, không sợ ai chê hát hay, hát dở. Bạn cũng không cần phải hẹn trước như khi bạn đặt phòng hát karaoke truyền thống, điều này thật thuận tiện”, Lai-chong chia sẻ.
Với các phòng lớn hơn, việc trang trí và bày biện phức tạp hơn, nhưng về cơ bản các vật dụng tương tự phòng mini, có thể còn có thêm đồ ăn nhẹ, đồ uống hoặc nhân viên phục vụ. Những phòng này chủ yếu phục vụ hội nhóm bạn bè, gia đình đông thành viên... Trong một số trường hợp, chúng được thiết kế theo chủ đề như siêu nhân, nhân vật hoạt hình... để phục vụ một số đối tượng nhất định. Đây cũng là loại phòng mà Lai-chong lựa chọn khi tụ tập bạn bè hoặc dịp đặc biệt nào đó như sinh nhật.
Trong khi đó, karaoke “đặc biệt” lại dành cho người giàu có, loại này thường được bày trí bắt mắt, mới lạ, kèm nội thất sang trọng. “Khi vào đây, bạn có cảm giác như mình đang ở một khách sạn cao cấp, được chào đón bởi những cô gái xinh đẹp và có thể mời một trong số họ hát cùng mình”, Liu Wei, giáo sư tại Đại học Cát Lâm, chia sẻ. “Tất nhiên, bạn cũng phải bỏ ra số tiền lớn hơn nhiều, phải chịu chi”.
Dù thích hát karaoke, Lai-chong thừa nhận cô hát không hay, thậm chí là hát rất dở. Điều này khiến cô trở nên tự ti trước đám đông bạn bè, chỉ tự tin hát khi đi cùng bạn thân hoặc ở trong phòng mini. "Cầm micro và hát solo trên sân khấu của phòng karaoke từng là trải nghiệm đáng sợ với tôi", Lai-chong nói.
Sau nhiều lần tìm hiểu trên mạng qua các video, Lai-chong đã thử Tosing - một dụng cụ nhỏ gọn tích hợp cả micro và loa, kết nối với điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng qua Bluetooth. Nhưng để trải nghiệm karaoke được tốt nhất, cô cần tải một ứng dụng hỗ trợ. Cái tên mà cô yêu thích là Tian Lai K Ge, hỗ trợ hàng nghìn bài hát kèm các tính năng như một mạng xã hội, như song ca với bạn bè, chia sẻ bản thu âm, bài vừa hát... và nhận lại lượt thích hoặc bình luận góp ý. "Tôi không chia sẻ những gì mình hát lên đó bởi đơn giản là không đủ can đảm. Nhưng nó giúp thỏa mãn cơn 'thèm hát', điều mà tôi không dám thể hiện nơi đám đông", cô nói.
Để phục vụ nhu cầu của những người như Lai-chong, hàng loạt ứng dụng tương tự ra đời, thậm chí được ví như "nấm mọc sau mưa". "Karaoke đang chuyển từ một hình thức giải trí theo nhóm sang sở thích cá nhân. Trước đây, bạn thích xem phim cùng bạn bè nhưng với sự có mặt của thiết bị số, bạn có xu hướng xem một mình hơn. Karaoke cũng vậy", Stephen Shiu, Giám đốc điều hành của tập đoàn HMV Digital China, chia sẻ với Quartz.
Shiu thú nhận mình không thích karaoke, nhưng đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh từ đó. Vào mùa thu năm 2016, HMV Digital China Group đầu tư hơn 1,3 triệu USD để phát triển một ứng dụng karaoke có tên là oleGoK chứa hơn 20.000 bài hát Cantopop, pop, K-pop... và được đón nhận.
Tuy nhiên, ứng dụng hát karaoke nổi tiếng nhất Trung Quốc phải kể đến WeSing - một trong bốn sản phẩm âm nhạc thuộc sở hữu của Tencent Music, tạo ra hơn 70% doanh thu cho bộ phận này. Sumeet Singh, nhà phân tích tại Aequitas Reseach (Singapore), trong một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, sự thành công của WeSing đến từ tính năng và sự tiện lợi của nó. “Khác với các dạng karaoke truyền thống, người dùng có thể hát bằng WeSing ở bất cứ đâu. Khi hát, người dùng có thể thu âm hoặc thậm chí phát trực tiếp, sau đó chia sẻ lên mạng xã hội hay các trang video trực tuyến chỉ trong một cú nhấn”, Singh phân tích.
Không chỉ doanh nghiệp trong nước, một số công ty nước ngoài cũng nhận ra tiềm năng về sở thích hát karaoke của người Trung Quốc. Như Smule, doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ, bắt đầu tấn công thị trường này với Sing! Karaoke cho phép hát karaoke “song ca” với các ngôi sao nhạc Pop như Shawn Mendez hay Charlie Puth. Ứng dụng có 52 triệu người dùng mỗi tháng tại Đông Nam Á nhưng đang nhắm tới quốc gia đông dân nhất thế giới sau khi nhận được khoản tiền hơn 50 triệu USD từ một số nhà đầu tư.
“Với hơn 800 triệu người dùng Internet Trung Quốc và không ít trong số
đó có sở thích ca hát, đây là mảnh đất màu mỡ đang tiếp tục được khai phá”,
Singh kết luận.
Bảo Lâm