Học tại một trường THPT ở quận 3, TP HCM, Cẩm Tú luôn cảm thấy tự hào khi đeo trên tay chiếc nhẫn trinh tiết màu trắng bạc có khắc chữ "True love". “Hai đứa em mua cặp nhẫn này từ khi nó chưa xuất hiện ở Việt Nam nên phải đặt hàng online, chuyển khoản rồi hồi hộp chờ ship gần một tháng mới có", nữ sinh 17 tuổi thích thú khoe.
Được bày bán phổ biến tại các tiệm trang sức ở TP HCM, mỗi chiếc nhẫn trinh tiết bằng bạc có giá 250.000 đồng. Nhiều bạn trẻ rất thích loại nhẫn này vì ý nghĩa của nó. "Nhiều người nói rằng chuyện trinh tiết là những điều thầm kín chứ không thể mang ra để chứng tỏ. Nhưng em nghĩ mỗi người đều có quan điểm riêng, em thấy ý nghĩa của chiếc nhẫn rất hay. Nó như một lời thề, một sự nhắc nhở bản thân nên cảm thấy tự hào khi đeo trên tay”, Cẩm Tú phân trần.
Không chỉ tuổi mới lớn mà giới sinh viên cũng thích đeo loại nhẫn này. Thấy những cặp yêu nhau trong lớp hầu hết đều tặng nhau nhẫn trinh tiết, Phương Ngân, sinh viên năm thứ 3 Học viện Hành chính TP HCM và bạn trai cũng tìm mua một cặp ưng ý. Phương cho biết không quá đặt nặng vấn đề trinh tiết giống như nhiều bạn khác khi đeo nhẫn, vì đây không phải là một chiếc nhẫn thần mà bất cứ ai đeo sẽ giữ được mình.
"Vấn đề quan trọng nhất nằm trong ý thức của mỗi người chứ không chỉ là hình thức bên ngoài. Nếu bạn không làm chủ được bản thân thì cho dù có đeo cả 10 chiếc nhẫn trinh tiết cũng không có ý nghĩa gì”, Phương Ngân thẳng thắn nói.
Nhẫn trinh tiết xuất hiện ở Mỹ vào đầu những năm 1990 trong cộng đồng tín đồ Cơ Đốc giáo và Tin Lành, với ý nghĩa “Tin tưởng rằng tình yêu đích thực sẽ chờ đợi, tôi xin thề trước Chúa, trước bản thân và gia đình, tôi sẽ giữ gìn trọn vẹn trinh tiết trước hôn nhân”. Đến nay, nhẫn trinh tiết nhanh chóng được các bạn trẻ trên thế giới và cả Việt Nam rất ưa chuộng.
Gõ từ khóa “purity ring” (nhẫn trinh tiết) trên công cụ tìm kiếm Google, chỉ trong 0,32 giây đã cho ra trên 4,8 triệu kết quả liên quan, điều đó cho thấy sự phổ biến của loại trang sức này. Tại Việt Nam, mới xuất hiện vài tháng gần đây song loại trang sức này đã nhanh chóng được các bạn trẻ yêu chuộng, thậm chí còn lập cả “Hội những người đeo nhẫn trinh tiết” trên trang mạng xã hội.
Nắm bắt được nhu cầu của giới trẻ, nhiều cửa hàng trang sức tại TP HCM, Hà Nội và các trang bán hàng online đều đưa ra những mẫu thiết kế tinh xảo. Trong đó họ còn chú trọng đến việc khắc chữ có ý nghĩa kết nối trên những cặp nhẫn để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của “thượng đế”.
Chủ của một trong những cửa hàng đầu tiên tại TP HCM tự thiết kế bán loại trang sức này, Võ Thị Thùy Dung chia sẻ: “Chúng tôi bắt đầu bán nhẫn trinh tiết từ đầu năm đến nay, ban đầu ít người biết nên số lượng bán ra không nhiều, nhưng ngày càng nhiều bạn trẻ, chủ yếu là học sinh, sinh viên đến đặt mua".
Chủ tiệm cho biết mỗi ngày bình thường cửa hàng bán được khoảng 2 hoặc 3 cặp, cao điểm bán đến 5-6 đôi nhẫn. "Ý nghĩa của chiếc nhẫn này khởi nguồn từ đạo Công giáo nhưng nó tùy thuộc vào suy nghĩ của mỗi người. Riêng tôi chỉ xem chiếc nhẫn như một xu hướng thời trang dành cho giới trẻ”, bà Dung thú thật.
Còn anh Nguyễn Long, chủ một tiệm trang sức tại quận Bình Thạnh, kể có nhiều khách hàng trẻ đến đây rất coi trọng ý nghĩa của chiếc nhẫn. "Tôi tôn trọng điều đó vì khi đeo nhẫn người ta có thêm lòng tin để sống tốt hơn, đặc biệt có động lực để giữ mình. Cũng có nhiều cặp đôi đã tháo nhẫn vì lỡ 'vượt rào'".
Anh Long cho rằng chỉ nên xem nhẫn trinh tiết là một món đồ trang sức như bao loại nhẫn cặp khác, chứ không nên xem như một lời thề để khi không thực hiện được lại trở thành rào cản trong một mối quan hệ tốt đẹp. "Không nên quá kỳ vọng vào ý nghĩa của chiếc nhẫn vô tri vô giác. Nếu bạn tin vào ý nghĩa của nó và có thể thực hiện lời hứa thì là điều đáng quý. Xét cho cùng nó chỉ là một món trang sức đang dần thay thế cho nhẫn cặp”, anh Long nói.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Võ Thị Minh Huệ nhìn nhận sự xuất hiện của nhẫn trinh tiết trong thời gian gần đây thu hút sự quan tâm của khá đông bạn trẻ. Nhiều người tin việc đeo nhẫn sẽ giúp nhắc nhở bản thân giữ gìn trinh tiết và sống tốt hơn, cũng giống như những cặp vợ chồng đeo nhẫn là chứng tỏ họ đã có gia đình. Tuy nhiên, dù sao những trang sức mang trên người cũng chỉ hình thức, quan trọng nhất vẫn là trong thâm tâm họ nghĩ gì.
'Tôi nghĩ đây cũng không phải là vấn đề đáng lên án hay cổ xúy vì xét ở góc độ nào cũng có giá trị như nhau. Nếu bạn đặt nặng về ý nghĩa của chiếc nhẫn thì nó giúp bạn sống tốt hơn. Còn bạn xem nó như một món trang sức thì cũng chỉ một xu hướng thời trang bình thường của giới trẻ", bà Huệ bày tỏ.
Thi Trân