Các địa phương trên cả nước đóng cửa điểm tham quan và dừng mọi hoạt động du lịch trước Covid-19. Vì vậy, nhiều du khách cùng gia đình tổ chức cắm trại trong 1 - 2 ngày, tại những điểm đến có núi rừng, suối, hồ và vắng người.
Anh Trương Văn Vị, 44 tuổi, Hà Nội muốn đưa 2 con ra ngoài chơi, thay vì để con làm bạn cả ngày với điện thoại, TV. Thời điểm này đi du lịch hay chơi công viên đều không thích hợp, nên cuối tuần anh thường tìm đến các địa điểm ở ngoại thành, đặc biệt là gần hồ, để có không khí thoáng đãng. Ngày 15/3, gia đình 4 thành viên của anh Vị chọn khu sinh thái hồ Đồng Quan, Sóc Sơn, Hà Nội, để tổ chức cắm trại. Ở đây, anh câu cá, còn các con khám phá cảnh quan, chơi các trò chơi vận động.
Anh chia sẻ, trẻ em đến đây rất thích, vì kỳ nghỉ dài ngày, không được đi đâu sẽ rất ngột ngạt, đặc biệt hại sức khỏe nếu trẻ tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh ở màn hình điện tử. Ở khu cắm trại chỉ có 3, 4 gia đình, các lều trại dựng cách xa nhau hơn 20 m, vì vậy nguy cơ tiếp xúc với người lạ là không có. Trước dịch Covid-19, khu cắm trại cũng không nhận khách ở qua đêm, để giảm thiểu nguy cơ lây chéo.
Trước chuyến đi, anh chuẩn bị lều trại riêng, bàn ghế, bát đũa, đồ ăn trưa, ngoài ra là khẩu trang, gel rửa tay để đảm bảo an toàn. Bếp nướng có thể thuê tại khu cắm trại. Tổng chi phí chuyến đi 600.000 đồng cho gia đình 4 người, chưa gồm xăng xe. Lều anh đã mua từ các chuyến đi trước, dễ gấp, tiện lợi có giá 2 triệu đồng.
Theo anh Vị, trong mùa dịch, đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình là rất tốt, tuy nhiên không nên quá bất an. Gia đình có thể tổ chức các chuyến đi ngắn, đảm bảo tuân thủ quy tắc chống dịch, đặc biệt không đến chỗ đông người, ăn ngoài hàng quán và di chuyển trên phương tiện công cộng.
Trong vài tháng gần đây, công việc kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch, 2 vợ chồng Nguyễn Trang, TP HCM quyết định tổ chức các chuyến đi 2-3 ngày, để thỏa mãn niềm yêu thích du lịch và thay đổi không khí. Cô ưu tiên lựa chọn những nơi có nguồn nước, địa hình bằng phẳng để tiện cho sinh hoạt. "Mình đi cắm trại để trốn dịch, nên phải ưu tiên nơi không người, cách xa khu dân cư, cảnh vật hoang sơ và chưa khai thác nhiều", cô nói. Chuyến đi gần đây nhất của Trang là ở rừng Bidoup, sâu trong hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt. Trước đó là hồ Dầu Tiếng, Bình Dương và đồi Nhái, Vũng Tàu.
Đồng hành cùng 2 vợ chồng Trang thường là nhóm bạn, chỉ từ 2 - 5 người. Trước khi đi, cô tìm hiểu về đặc thù, thời tiết ở điểm cắm trại. Ngoài ra là hành lý và các dụng cụ như lều, bạt, đồ dùng sinh hoạt, thực phẩm. Đối với Trang, quan trọng nhất là chuẩn bị sức khỏe và tinh thần tốt "không sợ không có nghĩa là không đề cao cảnh giác". Cả chuyến đi, cô không tiếp xúc với người lạ, trừ người bán xăng và người bán thực phẩm.
Trang chia sẻ, chuyến đi giúp cô thỏa mãn được niềm đam mê xe và di chuyển. Cô được đến những cung đường mới, hít thở không khí trong lành, hòa mình với thiên nhiên, thay vì ở thành thị mà "hoang mang" vì dịch. Ngoài ra, cắm trại cũng là dịp để thử thách bản thân, rèn luyện sức khỏe. "Thay vì đi 5 sao, chúng mình lựa chọn ngàn sao", cô nói.
Giống như Trang, anh Hoàng Tuấn Anh, Đà Nẵng cũng yêu thích những điểm đến hoang sơ. Ngày 21 - 22, anh cùng gia đình và bạn bè đến cắm trại tại Hòa Bắc, ngôi làng của người dân tộc thiểu số Cơ Tu, ở ngoại ô.
Anh chia sẻ, chuyến đi giúp anh khám phá thêm về nơi anh sinh sống. Ngoài các khu du lịch nổi tiếng, nhộn nhịp, Đà Nẵng còn nhiều điểm đến hoang sơ mà du khách có thể khám phá. Tại đây, gia đình anh, đặc biệt là con trẻ có thể vận động, hít thở không khí ngoài trời, cải thiện sức khỏe. Tối đến, gia đình quây quần bên nhau, đốt lửa trại, nướng đồ ăn, trải nghiệm cuộc sống khác với khi ở thành phố. Chi phí chuyến đi từ 300.000 - 350.000 đồng một người, bao gồm thuê đồ đạc và mua đồ ăn.
Anh Tuấn Anh lưu ý, để tổ chức cắm trại an toàn trong mùa dịch, nên chọn những nơi vắng người, để hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Khi di chuyển, cũng nên tuân thủ đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ. Ngoài ra, anh mong muốn, các nhóm đi du lịch, dã ngoại nên có ý thức bảo vệ môi trường.
Lan Hương