Trong những nhiệm vụ của đời người lúc này, tôi thấy mình có trách nhiệm giáo dục - đào tạo con. Trong nhiều lĩnh vực đào tạo con trai, có một lĩnh vực tôi rất thích, đó là tài chính, cụ thể là "tiền".
Từng trải qua sự khó khăn về quản trị tài chính, làm việc liên quan tới tài chính, từng nghiên cứu rất nhiều phương pháp dạy con về tài chính, cũng từng thích tư duy của dân tộc Do Thái về tài chính: "Kiếm tiền - Tiết kiệm - Đầu tư - Tiêu tiền - Cho đi" (từ thiện - quyên góp).
Tôi từng áp dụng một số cách với con trai lớn (7 tuổi) biết về tiền từ lúc cháu 3 tuổi.
- Giá trị của tiền: Bằng cách đi quán ăn, cafe... khi tính tiền cho cháu là người trả tiền. Mục đích cho cháu biết có tiền mới mua được đồ, tạo tiềm thức giá trị đồng tiền. Ghi chú: Con tham gia hoạt động mua bán sử dụng tiền.
- Tiết kiệm tiền: Hai anh em (đứa 7 tuổi và đứa 4 tuổi) nuôi heo đất trong vòng 3 năm được số tiền khá lớn. Với hy vọng lớn lao, con biết về tiền sớm hơn chúng bạn cùng tuổi. Nhưng trong quá trình hướng dẫn con, tôi nhận ra một sự thật "phũ phàng", có quá sớm để kỳ vọng một đứa trẻ quản trị tốt về tiền ngay từ bé, đó là một chuyện quá sức (như cho một đứa trẻ mặc một cái áo quá rộng).
Quá trình giáo dưỡng cháu, cộng học hỏi thêm nhiều "trường phái" dạy con khác. Tôi nhận thấy lứa tuổi của chúng (từ 1 đến 10 tuổi) nên trọng tâm vào đạo đức, tài chính chỉ là một phần trong đó. Tài chính nhất định sẽ dạy, nhưng sẽ ở lứa tuổi cao hơn.
Thay đổi tư duy "không trọng tâm là tiền", tôi lại có cách nhìn khác về giáo dục con:
- Đi quán ăn, tôi vẫn để các con trả tiền, nhưng vấn đề là giúp chúng dạn dĩ hơn (còn tạo ra nhận thức muốn mua đồ phải có tiền chỉ là phụ).
- Về nhà giao việc nhà cho con, con phải làm vì đó là trách nhiệm và tình yêu thương (chứ không phải con làm, con sẽ được trả công bằng tiền).
- Đi học về mua bánh kẹo mà con thích nếu hôm đó con ngoan, không ngoan thì sẽ giải thích và không mua.
Câu mà tôi thường bắt chúng đọc: "Ngoan thì cái gì cũng có, không ngoan thì không có cái gì". Phần thưởng sẽ dành cho người xứng đáng nhận nó, vì vậy, cần nỗ lực.
- Các con vẫn được tôi "điều" đi mua đá, mua nước, mua bánh kẹo về chia các em... vì tôi muốn chúng phải biết trao đi tình yêu thương anh em trong gia đình (giá trị đồng tiền chỉ là chuyện nhỏ).
- Nhà tôi buôn bán, tiền ba mẹ "cố tình" để ở phòng ngủ, phòng tắm... để hớ hênh vậy nhưng tôi luôn nói tiền không phải của mình thì không được đụng vô. Tôi muốn dạy chúng về tính trung thực.
- Đi học sáng hôm nào rảnh thì tôi mua bánh kẹo, sữa, đồ ăn sáng cho chúng... Hôm nào gấp, tôi thường quy ra tiền 10.000 đồng nhưng tôi thường đưa 20.000 đồng và nói con chỉ được tiêu 10.000 đồng, để lại 10.000 đồng mai tiêu.
Mục đích không phải là tiết kiệm, mà tôi muốn con có nghị lực (không bị cám dỗ).
Đó là cách tôi muốn hướng con tôi giai đoạn này, hiện tại tôi thấy khá ổn! Tôi nhận thấy: cha mẹ con cái đều nhẹ nhàng (cha mẹ không phải gồng mình vì con, con thì thoải mái).
Giai đoạn 1 - 10 tuổi, hãy để cho bé được ăn, được ngủ, được chơi, được "phá phách", được là tuổi thơ của chúng. Đó mới là điều quan trọng. Còn dạy con chuyên sâu về tài chính cá nhân: kiếm tiền, tiết kiệm tiền, sử dụng tiền, bảo vệ tiền, đầu tư... thì chắc chắn sẽ dạy nhưng quan trọng là đúng thời điểm
Nguyễn Mạnh Giáp
Cuộc thi Cha-Ching - Bé giỏi tiền hay do Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam phối hợp cùng VnExpress tổ chức từ ngày 9/6 đến hết 21/7, dành cho các bậc phụ huynh có con từ 3 đến 12 tuổi. Song song với các bài dự thi, chương trình cũng đăng tải những ý kiến về dạy tài chính cho trẻ của các chuyên gia giáo dục, tài chính.
Tại Việt Nam, Dự án giáo dục quản lý tài chính Cha-Ching đã được triển khai ở các trường tiểu học thông qua chuỗi hoạt động "học mà chơi, chơi mà học" đa dạng và lôi cuốn. Với hình thức mới mẻ, Cha-Ching giáo dục cho trẻ từ 7 đến 12 tuổi và cả người lớn về tầm quan trọng của việc quản lý tài chính, rèn luyện và phát triển toàn diện các thói quen quản lý tài chính thông minh.
Tìm hiểu thêm về Cha Ching tại www.cha-ching.com
Xem chi tiết thể lệ cuộc thi tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây