Hôm 8/12, bảo tàng Cố cung Đài Loan giới thiệu trên fanpage bức tranh vua triều đại Tống (từ năm 960 tới 1279) chơi bóng và tình yêu quả bóng của người thời này. Thời cổ đại, trò chơi được gọi là "Thúc cúc" (cuju).
Tác phẩm do họa sĩ cung đình thời Tống Tô Hán Thần vẽ, được nhiều văn nhân đời sau tâm đắc, vẽ lại. Một trong phiên bản được biết đến nhiều nhất là bức Tống Thái Tổ thúc cúc của họa sĩ Tiền Tuyển thời Nguyên.
Tác phẩm của Tiền Tuyển hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Thượng Hải, Trung Quốc, tả cảnh Tống Thái Tổ cùng em trai Triệu Quang Nghĩa (sau này là Tống Thái Tông) chơi bóng. Tống Thái Tổ đội mũ xanh đứng giữa hai đại thần còn Triệu Quang Nghĩa đá bóng. Ngoại hình, trang phục của hai anh em tương đồng.
Những người còn lại đều là các khai quốc công thần, trong đó có tể tướng Triệu Phổ. Tranh ngang 56 cm, dọc 28 cm. Sau khi hoàn thành tác phẩm, Tiền Tuyển đề các dòng thể hiện sự ngưỡng mộ với Tô Hán Thần.
Theo nhà nghiên cứu nghệ thuật Thân Dĩnh, bức tranh đặc biệt trong số tác phẩm hội họa về cung đình thời Tống. Họa sĩ không tái hiện sự xa hoa, quyền uy của nhà vua mà chọn khung cảnh vui tươi, nhộn nhịp, thảnh thơi đời thường. Bức tranh thể hiện thú vui đương thời nhưng làm nổi bật sự phối hợp ăn ý, tinh thần đoàn kết của anh em hoàng tộc lẫn quân tôi trong triều đình. Tác phẩm có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu văn hóa, xã hội thời Tống đồng thời được đánh giá cao vì nội dung độc đáo.
Theo Hualangnet, trò thúc cúc được người thời Tống hâm mộ, từ hoàng đế, đại thần tới bách tính đồng thời còn là một trong phương pháp luyện binh quân sự. Tống Thái Tổ vốn là võ tướng, thạo "bạch đả", tương tự tung hứng quả bóng ngày nay.
Hội họa cổ đại Trung Quốc còn ghi nhận bức tranh khác về trò chơi thúc cúc trong cung đình - Minh Tuyên Tông hành lạc, của họa sĩ Thương Hỷ, hiện lưu giữ ở Bảo tàng Cố Cung, Bắc Kinh. Ở tác phẩm, nhà vua ngồi nhìn các quan thần đá bóng.
Theo trang Artron, dựa vào những hiện vật khai quật được cùng các tác phẩm thư họa cổ, phần đông nhà khảo cổ nhận định thúc cúc bắt đầu từ thời Chiến Quốc. Các cuốn Chiến Quốc sách và Sử ký - Tô Tần liệt truyện đều ghi đây là trò chơi được nhiều người yêu thích, cả nam, nữ và trẻ nhỏ. Tiền Phúc (1461-1504) - trạng nguyên thời Minh - từng viết bài thơ Thúc cúc, với ý thơ: "Buổi chơi thúc cúc một ngày tháng hai, gió tiên thổi hai gái thuyền quyên, mồ hôi trên má hồng như sương đọng trên hoa, bụi vương trên lông mày lá liễu".
Nghinh Xuân