Thứ ba, 10/12/2024
Thứ bảy, 30/11/2024, 09:30 (GMT+7)

Tranh về nét lao động của người Sài Gòn đầu thế kỷ 20

Cảnh tiểu thương bán rau ở chợ Bà Chiểu, nông dân thu hoạch thuốc lá được các họa sĩ Đông Dương vẽ lại gần 100 năm trước.

Tranh các thợ mộc sản xuất đồ nội thất đầu thế kỷ 20 được giới thiệu trong cuốn Đời sống thường nhật ở Nam kỳ, NXB Phụ nữ Việt Nam in bằng ba ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh, xuất bản giữa tháng 11. Đơn vị làm sách kỳ vọng giới thiệu với độc giả trong nước và quốc tế "bức tranh đa sắc, nguyên bản" về người miền Nam cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20.

Một thợ làm gốm đang tạo hình các vật dụng như bình, chén bát. Loạt tranh được chọn lọc từ sách của Jules Gustave Besson - từng điều hành trường Mỹ thuật Gia Định - và các cộng sự, học viên, ra mắt ở Paris, Pháp năm 1935 và 1938.

Một phụ nữ bán dừa. Tác giả Nguyễn Quang Diệu - người sưu tầm tư liệu trong sách - cho biết các bức tranh được vẽ bằng bút chì, tô màu.

Các tiểu thương bán rau ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP HCM ngày nay). Bà Chiểu là một trong những ngôi chợ lâu đời của thành phố, ban đầu là chợ xổm. Năm 1942, địa điểm được mở rộng với diện tích gần 8.500 m2, thành khu mua bán nổi tiếng sầm uất. Địa danh từng đi vào ca dao: "Xe mui chiều thả chung quanh/ Đôi vòng Bà Chiểu thích tình dạo chơi".

Một nông dân đi chợ về với gióng treo đầu đòn gánh.

Nhóm thợ phối hợp dựng cổng. Các tác phẩm được chọn từ phần Cochinchine (Nam kỳ, dài sáu tập) của bộ sách gốc, mang phong cách hội họa "hương xa" (exoticism).

Một nông dân đang tưới cây thuốc lá.

Người nông dân bón phân khi canh tác thuốc lá.

Bà Quách Thu Nguyệt - nguyên giám đốc NXB Trẻ - nói đọc sách, bà cảm giác trở về ký ức tuổi thơ, với khung cảnh người dân buôn bán, chuyện sinh hoạt, thờ cúng gia tiên. "Chẳng hạn, bức tranh người dân thu hoạch thuốc lá khiến tôi nhớ đến vùng đất Gò Vấp xưa, bố tôi cũng từng làm nghề này", bà cho biết.

Bên trong một tiệm gốm.

Nhóm thợ mộc đang xẻ gỗ, đóng đế guốc.

Phút nghỉ trưa của một người phu kéo xe.

Gánh hủ tíu dạo.

Đơn vị phát hành cho biết ấn phẩm được nhiều du khách quan tâm, tìm mua ở đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1), trong đó đa số là người châu Âu như Anh, Pháp, Italy.

Mai Nhật
Ảnh: trích sách Đời sống thường nhật ở Nam Kỳ