Thập diện Linh Bích là tác phẩm nghệ thuật cổ đại đắt giá nhất Trung Quốc, sau khi gõ búa mức 512 triệu nhân dân tệ (78,2 triệu USD) trong phiên đấu kỷ niệm 15 năm thành lập của Poly Bắc Kinh hồi tháng 10/2020.
Tác phẩm ra đời bắt nguồn từ tình yêu đá của Mễ Vạn Chung - học giả, nhà thư pháp cuối thời Minh, được mệnh danh Thạch ẩn am cư sĩ. Năm 1608, trong một lần tới huyện Linh Bích, tỉnh An Huy, Mễ Vạn Chung mua được một hòn đá có hình dáng như ngọn núi hùng vĩ, vui sướng đến mất ăn mất ngủ. Ông khẳng định đó là viên đá tốt nhất trong bộ sưu tập của mình, đặt tên là Phi Phi Thạch, ngụ ý "đá nhưng không phải là đá". Cuốn Mễ thị kỳ thạch ký mô tả: "Hình dáng kỳ lạ, kéo dài như một ngọn núi, với các nhánh so le nhau. Bên dưới là một đế vuông nhỏ, mỏng. Màu sắc sẫm, vân dày, mỏng như thác nước đang tuôn chảy".
Ông sau đó mời bạn thân Ngô Bân - họa sĩ triều đình - tới chiêm ngưỡng và vẽ tranh. Tác phẩm dài 11,5 m, mô tả 10 mặt của hòn đá theo thứ tự: trước, sau, trái, phải, bốn góc xiên và hai phối cảnh của phần đế theo đúng kích thước thật. Theo tạp chí Sanlian Life Week, việc vẽ hòn đá ở 10 góc không được lên kế hoạch trước. Trong quá trình sáng tác, những góc cạnh khác nhau của vật thể gây kích thích thị giác họa sĩ, nên vẽ từ hai lên bốn rồi tám, 10 cạnh. Ngoài bút lông và mực truyền thống, họa sĩ kết hợp các nguyên tắc hình học, nhịp điệu và lý thuyết ngũ hành. "Những ý tưởng và kỹ thuật hội họa của ông, thế hệ sau khó có thể vượt qua", tạp chí viết.
Họa sĩ mô tả đá bằng những đường nét mảnh và dày đặc đan xen như sợi tóc. Tranh được vẽ liên tục trong gần hai năm, từ 1608 đến 1610. Các chuyên gia cho rằng trung bình mỗi mặt họa sĩ mất ít nhất một tháng để thực hiện.
Phòng Khoa học Công nghệ của Bảo tàng Cố Cung từng phục chế bức hoành phi bằng đá dưới dạng mô hình 3D theo 10 góc độ của tranh. Kết luận cho thấy Ngô Bân vẽ chân thực từng đỉnh, nếp gấp của đá. "Hơn 400 năm trước, không có kỹ thuật chụp ảnh, họa sĩ đã vẽ hòn đá theo tỷ lệ 1:1 như thế nào? Điều này rất khó vì nó không phẳng mà 3D. Có thể tưởng tượng Ngô Bân vẽ từ nhiều góc độ nhưng liên kết với nhau gần như liền mạch. Hình dáng ban đầu của đá được thể hiện rất chính xác. Điều này khó có thể tưởng tượng được", họ nói.
Sau khi tác phẩm hoàn thành, Mễ Vạn Chung vượt nghìn dặm xa xôi mời các văn nhân nổi tiếng bấy giờ như Đổng Kỳ Xương, Trần Kế Nho, Lý Duy Trinh, Diệp Hướng Cao viết lời bình lên tranh, trở thành sự kiện văn hóa lớn.
Theo sử sách ghi lại, một ngày đầu năm 1615, nhà thư họa Đổng Kỳ Xương 60 tuổi, sống tại Giang Nam, nhận được tác phẩm do Mễ Vạn Chung gửi từ Bắc Kinh. Khi chậm rãi mở ra, thứ hiện lên trước mắt ông không phải là tranh phong cảnh truyền thống hay vẽ người quen thuộc, mà là hình ảnh những phiến đá kỳ lạ và gồ ghề, đi kèm là 10 đoạn văn mô tả. Ông đã có bài đề dài lên tranh, bày tỏ khen ngợi, trong đó có câu: "Tôi nhìn thấy dòng nước uốn khúc, sắc nhọn của kim loại, vẻ đẹp của cây cối, nét trầm của đất và cả lửa qua phiến đá. Những yếu tố để có thể gọi là ngũ hành".
Thời kỳ vua Đạo Quang của nhà Thanh, Thập diện Linh Bích thuộc sở hữu của tướng quân Tát Ngênh A, người Mãn Châu. Ông đã viết dòng chữ trên tranh để mô tả quá trình sưu tập. Tác phẩm sau đó được trao cho con rể ông là thống đốc Sơn Đông - Ái Sơn. Trong một thời gian dài, không ai biết rõ tung tích của tranh.
Tháng 12/1989 tại Sotheby's ở New York, Thập diện Linh Bích lần đầu xuất hiện trong một phiên đấu giá, thu hút sự chú ý của mọi người. Những người có mặt khi ấy đa phần đều là nhà sưu tập phương Tây. Tác phẩm sau đó được nhà sưu tập người Mỹ William Bernard Ziff mua với giá 1,21 triệu USD - kỷ lục đấu giá tranh và thư pháp Trung Quốc bấy giờ. Ông yêu thích nghệ thuật, đặc biệt là những viên đá trong trang sức của mẹ. Sau khi Ziff qua đời năm 2006, tác phẩm do gia đình lưu giữ và bán lại vào năm 2020.
Theo Sanlian Life Week, hòn đá từng được đặt tại một trong ba dinh thự của Mễ Vạn Chung tại Bắc Kinh. Sau khi ông mất năm 1628 cùng những rối loạn của triều đình nhà Minh, dinh thự đổi chủ, hòn đá cũng không rõ tung tích từ đó.
Ngô Bân (1550-1643) là họa sĩ phong cảnh nổi tiếng thời nhà Minh, dưới triều đại hoàng đế Vạn Lịch. Nhiều tác phẩm của ông hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Cố Cung.
Hiểu Nhân