Thứ sáu, 19/4/2024
Chủ nhật, 29/1/2023, 05:00 (GMT+7)

Tranh về hoạt động của phụ nữ Việt 100 năm trước

Phụ nữ may vá, nhuộm vải, bán trầu... được khắc họa trong tranh Nguyễn Phan Chánh, cách đây gần 100 năm.

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh nổi tiếng với loạt tác phẩm đề tài phụ nữ, chất liệu mực tàu và bột màu trên lụa, được giới thiệu trong nhiều phiên đấu giá và đạt mức cao. "Những cô thợ may" là bức duy nhất cán mốc triệu USD của họa sĩ, 1,39 triệu USD (32,5 tỷ đồng). Tranh kích thước 65,5x88 cm, ra đời năm 1930, mô tả bốn phụ nữ mặc áo tứ thân, quàng khăn mỏ quạ ngồi khâu vá.

Họa sĩ đề bốn câu thơ: "Nét duyên dáng và thuần khiết của các nàng là vô song/ Nàng nào là người yêu kiều nhất?/ Giống như tấm lụa họ đang may/ Mỗi nàng đều có vẻ đẹp độc nhất". Tác phẩm được triển lãm tại Hội chợ Thuộc địa Paris 1931 và từng thuộc bộ sưu tập của Jean-Marc Lefèvre.

"La Pâtisserie", kích thước 64,5x50,5 cm, diễn tả khoảnh khắc một phụ nữ đang ngồi quạt bánh đa (bánh tráng), bên cạnh là chiếc thúng đựng bánh. Theo Christie's, với chữ ký "năm con ngựa, mùa đông" ở góc trên bên trái, tác phẩm được cho là sáng tác vào mùa đông năm 1930. Tranh là minh chứng cho tài năng của họa sĩ khi vẽ những chủ đề đơn giản nhưng gợi nhiều cảm xúc về hình ảnh phụ nữ làm nghề buôn bán nhỏ, lột tả một phần cuộc sống của người dân thời bấy giờ. Tranh được bán giá 4,7 triệu HKD (14 tỷ đồng) trong phiên của Christie's hồi tháng 12/2021.

"La Marchande de Ôc" (Người bán ốc) vẽ năm 1929, kích thước 88x65,5 cm, khắc họa khung cảnh một phụ nữ và ba trẻ em ngồi ăn ốc tại một gánh hàng rong, một người đội nón quai thao đứng nhìn. Từ xa xưa, Hà Nội nổi tiếng với món ốc luộc. Ốc được ngâm trong nước vo gạo để nhả hết đất, sau đó luộc chín với gừng, lá chanh, sả. Tranh được bán với giá 4,6 triệu HKD (13,9 tỷ đồng).

"Les Teinturières" (Thợ nhuộm tại nơi làm việc) được họa sĩ vẽ năm 1931, khắc họa ba người đang ngồi nhúng vải vào chậu thuốc nhuộm. Trên nền có một số vệt đen là nước rớt ra ngoài. Theo Christie's, khác những thiếu nữ sang trọng trong tranh của Mai Trung Thứ, Lê Phổ, sự khắc khổ của phụ nữ lao động được Nguyễn Phan Chánh thể hiện qua bàn chân trần, khung cảnh làm việc đơn giản. Tranh đạt mức 4,4 triệu HKD (13,1 tỷ đồng) trong phiên đấu giá tháng 5/2021.

"La Marchande de canne à sucre" (Róc mía) ra đời năm 1932, kích thước 60x50,5 cm, miêu tả một phụ nữ ngồi trên ghế, cầm dao tước vỏ mía, một vài cây đặt bên cạnh. Tranh bán giá 3,5 triệu HKD (10,5 tỷ đồng) hồi tháng 5/2022.

"La Marchand de Riz" (Người bán gạo) sáng tác năm 1932, mô tả một người đang đong gạo để bán. Tác phẩm được một người Anh mang tới trụ sở của Christie's ở London, bị nhầm là của tác giả Trung Quốc vô danh và định giá chỉ khoảng 75 USD (1,7 triệu đồng). Tuy nhiên, sau khi được chuyển về khu vực châu Á, một số người nhận ra giá trị của bức vẽ nhờ chữ ký phía sau tranh. Tác phẩm sau đó được bán 3,03 triệu HKD (9 tỷ đồng).

Nguyễn Nguyệt Anh - con gái họa sĩ - cho biết người mặc áo trắng đứng đong gạo là mẹ cô. " Mẹ tôi đã làm mẫu trong khá nhiều tác phẩm của cha và bao giờ cũng là gương mặt trái xoan thanh tú, đôi mắt lá răm và sống mũi thanh", cô nói.

"La Laveuse" (Người giặt giũ) ra đời năm 1931, vẽ một phụ nữ giặt quần áo bên bờ sông. Theo nhà đấu giá, họa sĩ thể hiện tài năng trong việc diễn tả ánh sáng và bóng tối khi sử dụng bốn tông màu nâu: Nước, quần áo, giỏ xách và nền đất, kết hợp mảng màu đen của quần, khăn. Bức họa bán giá 2,9 triệu HKD (8,9 tỷ đồng) vào hồi tháng 10/2018.

Bức "La Vendeuse De Bétel", năm 1931, kích thước 67x55 cm, mô tả một phụ nữ ngồi bên thúng bán trầu với các dụng cụ: Bình vôi, khay đựng cau, lá trầu... Auguste Tholance - quyền Thống đốc Nam Kỳ năm 1929, thường trú tại Bắc Kỳ từ năm 1930-1937 là người mua tranh. Ông cùng gia đình sở hữu nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ tên tuổi Việt Nam như Lê Phổ, Mai Trung Thứ. Tranh bán giá 3,16 triệu HKD (9,4 tỷ đồng) hồi tháng 11/2014.

"Sewing" (May vá) ra đời năm 1931, miêu tả cô gái ngồi trước thúng vải, bên cạnh là chiếc kéo. Sinh thời, họa sĩ từng nói: "Không hiểu sao tôi lại không thích những cô gái tô son, trát phấn giữa thủ đô mà tìm về thôn Kim Liên ở ngoại thành. Tôi đứng dựa gốc cây nhìn những thiếu nữ quần đen áo nâu giống gái quê mình, có cô phảng phất như người ở hội Chùa Hoa Mộc mà mình đã yêu, mối tình đầu mà chẳng nên duyên".

Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) quê Hà Tĩnh, là một trong những họa sĩ tiêu biểu cho nền hội họa Đông Dương và là người tiên phong cho nghệ thuật tranh lụa Việt Nam. Nguyễn Phan Chánh để lại số lượng tác phẩm ước khoảng trên 170, trong đó có những bức tranh nổi tiếng như "Chơi ô ăn quan", "Tiên Dung và Chử Đồng Tử", "Sau giờ trực chiến"...

Hiểu Nhân (ảnh: Christie's)