In this case của Jean-Michel Basquiat là tác phẩm nghệ thuật được đấu giá cao thứ hai trong năm 2021, theo The Value. Bức tranh được chốt ở mức 93,1 triệu USD (bao gồm thuế phí) trong phiên của Christie's ở New York hồi tháng 5/2021.
Tác phẩm được đấu giá ở Sotheby's năm 2002 với giá một triệu USD. Năm 2007, doanh nhân Italy Giancarlo Giammetti - đồng sáng lập thương hiệu Valentino - mua lại tranh từ nhà kinh doanh nghệ thuật Larry Gagosian, không tiết lộ giá. Theo Artnet, trong gần 20 năm, giá trị tranh tăng hơn 90 lần và trở thành tác phẩm đắt thứ hai của họa sĩ. New York Times nhận định giá tranh của Basquiat cao bởi tài năng họa sĩ, tiểu sử hấp dẫn và nguồn cung hạn chế.
Tranh được vẽ năm 1983, khi Basquiat 22 tuổi, đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Họa sĩ sử dụng chất liệu acrylic và dầu bóng trên canvas, mô tả một đầu lâu lớn đặt trên nền màu đỏ ruby, con mắt vàng rực, hàm răng màu xanh lá cây chìa ra và phần xương bị gãy.
Ana Maria Celis - chuyên gia cao cấp và Trưởng phòng Nghệ thuật Thế kỷ 21 tại Christie's - nhận xét trong ba bức vẽ đầu lâu khổ lớn của Basquiat từ năm 1981-1983, đây là tác phẩm thô mộc, mang nội hàm và cảm xúc nhất. "Con mắt màu vàng như nhìn thẳng vào người xem, khiến không ai có thể rời mắt", Celis nói.
Tranh thể hiện sự tưởng nhớ của Basquiat đối với Michael Stewart - nghệ sĩ đường phố người Mỹ gốc Phi - qua đời ở độ tuổi 20 sau khi bị cảnh sát bắt giữ vào năm 1983. Theo Christie's, Basquiat nổi tiếng nhất trong số ít nghệ sĩ trẻ da màu được người Mỹ công nhận bấy giờ. Nhận thức về điều đó, tác phẩm của họa sĩ không chỉ thể hiện bản thân, giá trị nghệ thuật, mà còn phơi bày sự bất công và bạo lực chủng tộc trong xã hội.
Đầu lâu là biểu tượng trong tranh của Basquiat và được săn lùng trên thị trường, theo Artnet.
Sáu tuổi, một vụ tai nạn khiến Basquiat bị gãy tay, trải qua nhiều ca phẫu thuật. Trong thời gian hồi phục, mẹ mua cho họa sĩ cuốn Grey’s Anatomy (Giải phẫu học của Gray) - sách y học thế kỷ 19. Vốn có năng khiếu vẽ phác thảo, Basquiat nhanh chóng tiếp thu mọi chi tiết về hình dạng con người qua tranh minh họa trong sách - từ kiến trúc bộ xương đến mạng lưới cơ, tim mạch. Điều này ảnh hưởng đến tư duy, kỹ thuật vẽ cơ thể người của Basquiat sau này, cách họa sĩ pha trộn hình ảnh và chữ viết.
Bức vẽ đầu lâu Untitled (1982) được tỷ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa mua năm 2017 với giá 110,5 triệu USD - mức giá cao nhất cho một tác phẩm của họa sĩ Mỹ trong một buổi đấu giá bấy giờ. Dustheads (1982) với hai hình đầu lâu mỉm cười được bán với giá 48,8 triệu USD vào năm 2013 tại Christie's. Untitled (1981) thuộc tài sản của nhà sưu tập Edythe và đang được trưng bày tại bảo tàng The Broad ở Los Angeles.
Tác giả, nhà kinh doanh nghệ thuật Fred Hoffman nhận định: "Điều khiến Basquiat gần như ám ảnh với tranh vẽ đầu lâu là do ông thấy khuôn mặt như một lối đi từ bên ngoài vào thế giới tâm lý và tinh thần ẩn sâu của con người".
Nhà sử học nghệ thuật Olivier Michelon cho rằng các bức tranh thể hiện sự phá cách họa sĩ mang đến với vanitas (thể loại hội họa tập trung vào hộp sọ con người). Hai bức tranh được đặt tên Untitled (Vô đề), đôi khi được gọi là Skull (Đầu lâu), bức thứ ba là In this case (Trong chiếc hòm này). "Những tác phẩm không phải lời nhắc nhở rằng cái chết không thể tránh khỏi mà liên tưởng đến ký ức", ông nói.
Theo Artnet, đầu lâu tựa bức chân dung tự họa, gợi nhớ về xuất phát điểm của Basquiat là một nghệ sĩ đường phố.
Jean-Michel Basquiat sinh năm 1960 ở Brooklyn, là người Mỹ, gốc Phi. Basquiat bắt đầu sự nghiệp là nghệ sĩ graffiti, được họa sĩ Andy Warhol và phòng trưng bày ở New York ca ngợi là thần đồng. Vào giữa những năm 1980, họa sĩ đã kiếm được 1,4 triệu USD mỗi năm. Basquiat qua đời năm 1988, khi mới 27 tuổi vì sử dụng ma túy quá liều. Theo New York Times, cái chết của họa sĩ là bi kịch cá nhân và mất mát lớn đối với thế giới nghệ thuật.
Hiểu Nhân