Tranh vẽ thiếu nữ mặc chiếc váy đen không cổ, buộc tóc gọn gàng, ngồi trên ghế với gương mặt trầm ngâm. Đằng sau cô là bức tranh phong thủy từ triều đại Bắc Tống.
Tiêu đề bức tranh được họa sĩ Jin Shangyi chú thích đơn giản là "Nữ ca sĩ trẻ".
Tuy nhiên, theo New York Times, những người tham quan cuộc triển lãm "The Temperature of History", do Học viện Mỹ thuật và Tranh Trừu tượng Trung ương Trung Quốc tổ chức, đều nhận ra người trong tranh là ai. Nếu không, họ cũng sẽ nhanh chóng được người bên cạnh mách nước, đó là đệ nhất phu nhân Trung Quốc, vợ của Chủ tịch Tập Cận Bình.
"Bà ấy thật đẹp phải không?", Zhu Yuhua, người đến Bắc Kinh tham quan cùng con trai nhân kỳ nghỉ lễ quốc khánh, nói.
Xem thêm: Thời trang của Bành Lệ Viện ở Mỹ
Nhiều người băn khoăn rằng tại sao bức chân dung lại được trưng bày ở một vị trí dù nổi bật nhưng lại bắt nắng, khiến bức tranh sơn dầu được đóng trong khung kính bị lóa.
"Tôi nghĩ đặt bức tranh bà ấy ở đây, ở trung tâm, là đúng rồi", bà Zhu nói, trước khi kéo con trai đi xem những bức tranh khác.
"Họ không thể đặt bà ấy ở góc được", một người đàn ông già, từng là học trò của họa sĩ Jin, nói.
Truyền thông Trung Quốc dẫn lời ông cho hay ông Jin tình cờ gặp bà Bành vào năm 1984, khi bà đang ở độ tuổi 20 và là sinh viên của Học viện Âm nhạc quốc gia, khá lâu trước khi bà trở thành giọng nữ cao nổi tiếng và kết hôn với ông Tập.
"Ông ấy đã nhờ một người hàng xóm làm việc tại Học viện Âm nhạc tìm giúp vài nữ sinh xinh xắn để vẽ", người đàn ông kể. "Ông ấy tìm được bà Bành và hai cô gái nữa, rồi vẽ cả ba người. Bà ấy được trả công làm mẫu một nhân dân tệ một giờ. Bà ấy đã ngồi suốt 4 giờ đồng hồ buổi sáng. Đó là tác phẩm dành cho bà ấy".
Kể từ khi bà Bành trở thành đệ nhất phu nhân vào năm 2013, "Nữ ca sĩ trẻ" đã thay thế "Cô dâu Tajik" trở thành bức tranh nổi tiếng nhất của họa sĩ Jin. "Cô dâu Tajik" đã được bán đấu giá vào năm 2013 với giá hơn 85 triệu nhân dân tệ (hơn 13 triệu USD).
Cả hai bức tranh đều đại diện cho thời điểm đầu những năm 1980, khi các họa sĩ Trung Quốc tự tách mình khỏi đề tài truyền thống về các anh hùng lao động và các nhà lãnh đạo, để tìm đến những đề tài mang đậm dấu ấn cá nhân hơn, bằng những chất liệu khác như sơn dầu.
Theo báo chí Trung Quốc, bà Bành đã đề xuất mua lại bức tranh trên từ họa sĩ Jin nhưng ông chỉ tặng bà một bản sao và muốn Học viện Mỹ thuật giữ bản gốc. Bức tranh được ca ngợi như phiên bản "Mona Lisa" của Trung Quốc.
Anh Ngọc