Thứ ba, 19/11/2024
Thứ ba, 4/12/2018, 16:21 (GMT+7)

Tranh Trịnh Công Sơn vẽ người tình Nhật Bản lần đầu lên lịch Tết

Bức vẽ Michiko Yoshii - người từng có đám cưới không thành với cố nhạc sĩ - được thể hiện qua nét cọ giản dị, hồn nhiên.

Bức vẽ Michiko Yoshii - một trong những người tình của cố nhạc sĩ. Cuối thập niên 1980, bà - lúc đó là một sinh viên ở Pháp theo đuổi đề tài cao học nghiên cứu về âm nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Sau nhiều lần sang Việt Nam gặp trực tiếp nhạc sĩ, họ nảy sinh tình cảm. Cả hai từng lên kế hoạch làm đám cưới, nhưng sau đó bị hủy khi Trịnh Công Sơn không chịu quỳ gối trước ông bà đại sứ Nhật - đại diện cho nhà gái lúc ấy. Dẫu vậy, họ vẫn giữ sự liên hệ qua âm nhạc. Sau khi Trịnh Công Sơn mất, Michiko cũng thường về thắp hương cho ông.

Dự kiến có khoảng 6.000 bộ lịch in tranh Trịnh Công Sơn được phát hành dịp Tết sắp tới. Gia đình cố nhạc sĩ sẽ trao lịch làm quà tặng bạn bè, mạnh thường quân để vật phẩm này được dùng trong các hoạt động mang ý nghĩa xã hội, thiện nguyện.

Bộ lịch là dự án ấp ủ của họa sĩ đồ họa Nguyễn Duy Sơn - con trai nhà thơ Nguyễn Duy, trước khi anh đột ngột qua đời hồi tháng tư. Trong bộ sưu tập, có nhiều bức của Trịnh Công Sơn lần đầu được công bố. Tranh được in kèm những dòng thủ bút của cố nhạc sĩ ghi lời các bài hát nổi tiếng của ông. Trong ảnh là một bức tranh nhạc sĩ vẽ năm 1973.

Các bức tranh không ghi tên. Trên một số báo Tết Tân Mùi năm 1991, cố nhạc sĩ lý giải việc ông dấn thân vào hội họa: "Tôi đã đi tìm tôi trong âm nhạc, thi ca. Chưa thấy đủ khuôn mặt của mình. Và tôi đã cố gắng rẽ về phía hội họa, tiếp tục lên đường, để tìm lại tôi".

Nhan sắc người tình từng được Trịnh Công Sơn viết 300 bức thư
 
 
Tuấn Ngọc - Bằng Kiều hát "Mưa hồng".

Khi sáng tác, Trịnh Công Sơn sử dụng nhiều chất liệu: màu nước, phấn tiên, sơn dầu... Ông vẽ theo phong cách giản lược về đường nét, chỉ để lại vệt sáng của màu sắc trên vải.

Cũng như âm nhạc, Trịnh Công Sơn dùng hội họa diễn tả cái tôi cô đơn, trống vắng và những khoảng lặng của một kiếp người; mặt khác, lại thổi vào sự sống hồn nhiên, trong trẻo và lãng mạn của tâm hồn luôn yêu con người, cuộc đời.

Một trong những bức cuối cùng cố nhạc sĩ vẽ năm 2000, trước khi qua đời vào ngày 1/4/2001. 

Lời những ca khúc nổi tiếng của ông được nhà thơ  Nguyễn Duy chọn lọc để in lại trong bộ lịch như: "Mùa xuân trên những mái nhà/ Có con chim hót tên là ái ân" (Đóa hoa vô thường), "Mười năm xưa đứng bên bờ dậu/ Đường xanh hoa muối bên rì rào/ Có người lòng như khăn mới thêu...".

Năm 2011, hơn 50 bức tranh và ký họa chân dung ông sáng tác được giới thiệu qua triển lãm chủ đề Nốt màu, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Số tranh này được Trịnh Công Sơn vẽ trong nhiều năm, từ thời trẻ sống ở Huế cho đến những năm cuối đời tại ngôi nhà số 47C Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP HCM.

Ông từng tham gia nhiều triển lãm cùng các họa sĩ như Đinh Cường, Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Tôn Thất Văn... tại TP HCM. Họa sĩ Nguyễn Trung trong một lần xem tranh Trịnh Công Sơn tại triển lãm năm 1989 đã đánh giá ông là họa sĩ chuyên nghiệp.

Ngoài vẽ tranh, Trịnh Công Sơn còn vẽ nhiều bìa và phụ bản các tập nhạc của chính ông.

Ngoài việc in lịch, tranh Trịnh Công Sơn sẽ được gia đình triển lãm vào tháng 4/2019 nhân dịp 18 năm mất của ông.

Ca khúc 'Xin trả nợ người' do Trịnh Công Sơn hát
 
 
Trịnh Công Sơn hát "Xin trả nợ người".

Mai Nhật