Thứ tư, 25/12/2024
Thứ năm, 28/9/2023, 13:55 (GMT+7)

Tranh phong cảnh hơn chục nghìn euro của vua Hàm Nghi

"Bụi rậm dưới bóng hoàng hôn" đạt 38.000 euro, "Bờ sông" giá 28.000 euro, là những tác phẩm nổi bật của vua Hàm Nghi tại phiên đấu giá Paris.

Trong phiên đấu giá của nhà Lynda Trouvé tại khách sạn Drouot, Paris hôm 22/9, bộ sưu tập 19 bức tranh của vua Hàm Nghi thu được 330.000 euro (khoảng 8,5 tỷ đồng).

Bức Bụi rậm dưới bóng hoàng hôn đứng đầu danh sách với mức bán 38.000 euro (hơn 974 triệu đồng).

Cánh đồng lúa mì đạt 32.000 euro (hơn 820 triệu đồng) dù giá ước tính chỉ 3.000-5.000 euro.

Vua Hàm Nghi (1871-1944) có tên húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu Ưng Lịch, lên ngôi năm 1884, khi mới 13 tuổi. Ông là hoàng đế thứ tám của nhà Nguyễn. Năm 1885, sau khi kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết rời khỏi kinh thành và phát chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp. Năm 1888, ông bị bắt và bị Pháp đưa đi lưu đày ở Alger (thủ đô Algérie). Vua qua đời vào năm 1944 vì bệnh ung thư dạ dày.

Tác phẩm Hồ lúc chạng vạng ước tính bán được khoảng 1.500-2.000 euro (khoảng 38-52 triệu đồng). Kết thúc phiên đấu hôm 22/9 tại Paris, tranh đạt mốc 32.000 euro (hơn 820 triệu đồng).

Bức tranh Bờ sông được bán với giá 28.000 euro (khoảng 718 triệu đồng), vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên vải, có kích thước 38x47 cm.

Thời gian xa quê, lúc nhàn rỗi, vua thường vẽ tranh phong cảnh, dù kỹ thuật còn hạn chế. Cuốn Hàm Nghi artiste : le peintre et le sculpteur (Amandine Dabat) cho biết ngày 15/11/1889, đại úy de Vialar - người được cử chăm sóc vua - nhìn thấy những bức vẽ và nhận thấy ông có năng khiếu bẩm sinh. Đại úy dẫn họa sĩ Marius Reynaud đến gặp vua, gợi ý làm giáo viên. Vua đồng ý, đề nghị học một tuần hai buổi, vào thứ ba và thứ sáu.

Hình ảnh con đường, dòng sông thường xuất hiện trong tranh của vua Hàm Nghi. Vua vẽ bức Con đường ven sông với kích thước 20,5x30 cm và 20,5x26 cm. Tác phẩm được dự đoán giá 600-800 euro (khoảng 15-20 triệu đồng) nhưng đạt mức 22.000 euro (hơn 564 triệu đồng).

Tranh Cuối hè bên sông có kích thước 28,5x38,5 với chất liệu sơn dầu trên vải. Tác phẩm được bán với giá 20.000 euro (hơn 512 triệu đồng), dù ước tính chỉ khoảng 2.000-4.000 euro (khoảng 51-100 triệu đồng).

Theo Asian Art, đặc trưng trong các sáng tác của vua là tranh phong cảnh cùng những màu sắc nhẹ nhàng như xanh dương, vàng, tím oải hương. Ông ít khi vẽ người vì cho là ám chỉ sự cô đơn.

Tác phẩm Rừng dùng chất liệu sơn dầu trên vải, có kích thước 30,5x39 cm. Giá tranh đạt 19.000 euro (hơn 487 triệu đồng), gấp nhiều lần so với con số dự kiến là 1.500-3.000 euro (khoảng 38-77 triệu đồng).

Bức họa Ngôi nhà ven sông có kích thước 29x35 cm, đạt 17.000 euro (hơn 435 triệu đồng). Góc dưới bên trái bức tranh có ký tên bằng Hán, cùng mốc thời gian năm 1910.

Vua Hàm Nghi sử dụng chất liệu sơn dầu trên vải, vẽ bức Con đường ven sông. Tranh có giá 15.000 euro (hơn 384 triệu đồng).

Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - từng nói: "Vua Hàm Nghi là họa sĩ hiện đại đầu tiên của Việt Nam vì mãi sau này Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương mới thành lập. Tranh của ông chủ yếu vẽ phong cảnh, gửi gắm nỗi niềm về thân phận, nhớ quê hương".

Tác phẩm Mặt trời lặn trên vùng quê sử dụng chất liệu sơn dầu trên bìa cứng, ước tính 3.000-5.000 euro (khoảng 76-128 triệu đồng), được gõ búa 13.000 euro (hơn 333 triệu đồng).

Màu sắc trong tranh thường mang vẻ đượm buồn, thể hiện tâm trạng của vị vua bị lưu đày, mượn hội họa để vơi nỗi nhớ quê hương.

Bức vẽ Bầy đàn trên đồng cỏ có chữ ký tượng hình phía dưới bên phải, kích thước 31x36 cm. Tranh bị mòn, xước song vẫn trị giá 12.000 euro (hơn 307 triệu đồng).

Dòng sông một chiều hè là bức họa có giá mua thấp nhất tại phiên đấu - 6.800 euro (hơn 174 triệu đồng).

Các bức tranh còn lại dao động trong các mức giá từ 13.000-28.000 euro (khoảng 333-718 triệu đồng), đều cao hơn so với giá thẩm định. Nhà đấu giá Lynda Trouvé cho biết đây là bộ sưu tập duy nhất của vua Hàm Nghi được tìm thấy tại Pháp.

Các tác phẩm được tìm thấy trong chiếc cặp cũ, suýt bị bỏ vào thùng rác do không ai biết những chữ ký tượng hình trên tranh. Nhờ tấm bưu thiếp đi kèm tựa đề ''Trung tá bộ binh thuộc địa Henri Aubé, Cục trưởng Cục Địa lý Đông Dương ở Hà Nội", cùng chữ ký vua Hàm Nghi, nguồn gốc các bức tranh được tìm ra.

Phương Linh
Ảnh: Lynda Trouvé