Chiều 12/6, tại phiên thảo luận về dự án Bộ Luật lao động (sửa đổi), đề xuất "mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt từ tối đa 300 giờ lên 400 giờ mỗi năm" nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM cho rằng, "đặt vấn đề làm thêm giờ là đi ngược lại tiến bộ xã hội". Theo bà, Việt Nam nên xây dựng chính sách để công nhân "làm ít giờ nhưng thu nhập tăng thêm, giúp họ có thời gian tái tạo sức lao động, làm việc tốt hơn".
"Có những công nhân cả chục năm không thể về quê, con cái phải gửi cho ông bà nuôi. Quốc hội nên quan tâm vấn đề này để có chính sách ưu việt hơn", bà Tâm nói và nhấn mạnh, người sử dụng lao động nếu cần thiết tăng thời gian làm thêm thì phải thoả thuận với công nhân và tiền công luỹ tiến theo giờ.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Phúc - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành là thời gian làm thêm không quá 200 giờ mỗi năm, trường hợp đặc biệt giao cho Chính phủ quy định và không quá 300 giờ.
Ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc bệnh viện tim Hà Nội không nhất trí với các ý kiến trên, vì cho rằng, theo dự thảo Luật, người lao động tự nguyện tham gia chứ không bị bắt buộc làm thêm giờ.
"Bất cứ người lao động nào cũng có quyền làm thêm giờ, thêm việc để có thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên cũng cần có quy định rõ ràng một số việc gây nguy hiểm cho nhiều người như lái xe đường dài, lái máy bay, xe buýt thì không cho làm thêm giờ", ông Tuấn nói.
Ngoài ra, ông Tuấn cho hay, thực tế trong xã hội vẫn có nhiều trường hợp không muốn nhưng vẫn phải làm thêm giờ. Đơn cử, trung bình mỗi nhân viên y tế phải trực 5-8 buổi mỗi tháng, trong khi tiền trực quá thấp, dù làm việc suốt ngày đêm mỗi người cũng chỉ được nhận 115.000 đồng ở cơ sở y tế loại 1 và 95.000 đồng ở cơ sở y tế loại 2.
"Nhiều người muốn ngành y tế làm thêm thứ bảy, chủ nhật vì cuối tuần học sinh, công nhân được nghỉ việc, nhưng như vậy tính ra mỗi nhân viên y tế phải làm thêm ít nhất 800 giờ mỗi năm", ông Tuấn nói.
Là đại biểu Quốc hội ở địa phương có khoảng 1,2 triệu công nhân, bà Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) nói việc mở rộng khung thoả thuận làm thêm giờ là nhu cầu có thực từ hai phía trong các doanh nghiệp may mặc, giày da, chế biến gỗ...
Theo bà, làm thêm giờ gây ra nhiều hệ luỵ như công nhân không có thời gian tái tạo sức lao động, không có thời gian chăm sóc gia đình, con cái. Tuy nhiên, nếu luật không mở rộng thì doanh nghiệp vẫn tổ chức làm thêm giờ, trong khi nhu cầu làm thêm của công nhân là có thật.
"Với thực tế trên, nếu không có luật để điều chỉnh thì thiệt hại sẽ ở người lao động", bà nói và dẫn chứng báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Lao động năm 2012 cho thấy, tình trạng doanh nghiệp tổ chức làm thêm giờ đang diễn ra phổ biến; nhiều doanh nghiệp vượt quá 2-3 lần mức cho phép.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng khẳng định tăng thời gian làm thêm là nhu cầu có thật. Theo ông, Chính phủ chỉ đề xuất áp dụng quy định này cho một số ngành nghề ở thời điểm nhất định, không áp dụng vào khu vực công.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu ý kiến của đại biểu, như vấn đề thoả thuận về giờ làm thêm, luỹ tiến tiền lương. Hiện 97% doanh nghiệp của Việt Nam là vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Chúng ta đảm bảo quyền lợi người lao động nhưng cũng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững", ông Dung nói.
Bộ Luật Lao động (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm 2019.
Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm. Trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm (tuy nhiên, doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh).
Ban soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.