Theo Phó vụ trưởng An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) Lê Đức Việt, quy định về quản lý lòng đường, vỉa hè đã thể hiện rõ trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Các hành vi buôn bán, kinh doanh trên hè phố bị cấm nên những nhà ở vị trí mặt tiền phải tuân thủ luật. “Tổ chức lại trật tự vỉa hè hiện nay đã được đặt ra ở mức cấp thiết”, ông Việt nói.
TS Lương Hoài Nam cho rằng, nếu chỉ nói “vỉa hè là phần dành cho người đi bộ” là chưa đầy đủ, vì nó còn nhiều công năng khác như nhà hàng cà phê, sạp báo, quầy bán rau quả… Hiện Điều 35 Luật Giao thông đường bộ chỉ quy định công năng vỉa hè dành cho người đi bộ. Do đó không ai có quyền quy hoạch, ban hành quy định cho thuê sử dụng vỉa hè.
“Tôi đề xuất, cần thiết thì sửa đổi Luật, cho phép người dân thuê vỉa hè. Người dân chỉ trả một lần và không phải mất phí cho bất kỳ ai khác. Họ có trách nhiệm quản lý phần vỉa hè theo quy định”, ông Nam nêu.
Phó chủ tịch Ủy ban An toàn gia thông quốc gia Khuất Việt Hùng khẳng định, việc sử dụng vỉa hè cho mục đích phi giao thông đã được giao cho UBND các tỉnh, thành phố. Luật không có câu nào nói vỉa hè chỉ để đi bộ cả, chỉ có điều chức năng căn bản của nó là đi bộ phải được đáp ứng đầu tiên.
TS Lương Hoài Nam cho rằng, nếu luật không quy định cứng vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ thì ngoài công năng chính là đi bộ, vỉa hè cần được hành chính hóa phù hợp với điều kiện từng địa phương, mở rộng hành lang pháp lý theo hướng đưa ra quy chế: cho thuê sử dụng vỉa hè.
Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông TP HCM), thành phố quy định 6 trường hợp được phép sử dụng vỉa hè: tiệc cưới, tang lễ; hoạt động trông giữ xe công cộng có thu phí; phục vụ thi công xây dựng để sửa chữa các công trình; buôn bán hàng hóa; hoạt động xã hội; để xe tự quản trước nhà.
Ngoài ra, trên cơ sở đề xuất của các quận huyện, năm 2009 TP HCM cũng ban hành danh sách tuyến đường nào được sử dụng để kinh doanh buôn bán, được đậu xe, được để xe tự quản trước nhà. “Tôi xin nhấn mạnh, vỉa hè vẫn thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước, các đơn vị chỉ tạm sử dụng”, ông Đường nói.
Không đồng tình với việc chính quyền giao sử dụng vỉa hè mà lại không thu phí, TS Lương Hoài Nam cho rằng, vỉa hè là của công nên không thể cho ai đó sử dụng tạm. Những người ở nhà mặt phố nếu có nhu cầu để xe trên vỉa hè phải ký hợp đồng với địa phương, trả khoản phí nhất định.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội chỉ ra mâu thuẫn trong Nghị định 36 khi có điều ghi cho phép sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh buôn bán nhưng ở dưới lại nêu “nghiêm cấm cho thuê vỉa hè, lòng đường để kinh doanh dưới mọi hình thức".
Phản hồi ý kiến Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội, ông Khuất Việt Hùng cho hay, Luật Phí và lệ phí mới cho phép thu phí ở một số vị trí vỉa hè, lòng đường hợp pháp nên không cần lo về quy định cấm trong Nghị định 36.
“Vấn đề là chính quyền địa phương tổ chức thu phí thế nào cho phù hợp với đặc điểm từng nơi”, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nói.
Tại sao Hà Nội kẻ vạch trắng trên vỉa hè? Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Viên Viện cho biết, Hà Nội và các tỉnh thành phố khác cũng đang sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè làm nơi bố trí giao thông tĩnh, làm nơi đỗ ôtô và xe máy. Theo quy định thống nhất, vỉa hè tính từ sát mép tường trở ra có quy định kẻ vạch để hướng dẫn nhân dân để xe máy cho ngay ngắn. Hiện nay có 11 quận đã thực hiện theo hướng dẫn để xe vào bên trong sát với tường, riêng quận Hoàn Kiếm đang xin để xe phía ngoài vỉa hè để dân tham gia giao thông bên trong, tiếp cận được với các cửa hàng mặt phố để kinh doanh thuận tiện hơn. |
Võ Hải