Chiều 22/5, tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), quy định về tổ chức cho phạm nhân lao động (điều 33) đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Theo đó, quy định này nêu căn cứ vào các tiêu chí cụ thể, giám thị trại giam lập kế hoạch tổ chức cho phạm nhân lao động trong năm, gửi về cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng để phê duyệt.
Trại giam có thể phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân tổ chức cho phạm nhân lao động nhưng phải bảo đảm chế độ giam giữ, các chế độ, chính sách đối với phạm nhân theo quy định; chịu trách nhiệm bảo đảm về an ninh, trật tự và giám sát việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam...
Ủng hộ quy định trên, Uỷ viên thường trực Uỷ ban tư pháp Nguyễn Thị Thuỷ nói, việc tổ chức cho phạm nhân lao động không chỉ để cải tạo họ mà còn cần thiết cho mục tiêu tái hoà nhập cộng đồng sau này. Một người đi tù 5, 10 năm mà không có nghề, sau khi mãn hạn tù sẽ rất khó tìm việc làm, mang mặc cảm tự ti và nguy cơ tái phạm lớn.
Bên cạnh đó, bà Thuỷ cho biết, trong 54 trại trên cả nước có đến 34 trại đóng ở vùng sâu, xa, giao thông đi lại khó khăn, chi phí sản xuất rất cao nên doanh nghiệp không đầu tư.
"Để đi được đến trại Cồn Cát ở Sóc Trăng, chúng tôi phải gửi xe ôtô ở UBND xã, sau đó đi phà dọc sông Hậu và đi đò 6 km mới vào đến nơi", bà Thuỷ dẫn chứng và cho hay với những trại điều kiện đi lại khó khăn, doanh nghiệp không đầu tư thì lao động chủ yếu là trồng rau, chăn nuôi.
Dẫn báo cáo Bộ Công an, bà Thuỷ thông tin, các điểm lao động ngoài trại đều được doanh nghiệp thiết kế theo mẫu của trại, có tường rào, cách biệt khu dân cư. Thực tế thời gian qua cho thấy trong 7.000 phạm nhân lao động ngoài trại chỉ có một phạm nhân bỏ trốn.
"Bản chất và mục tiêu tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại không phải vì kinh tế, ở đây tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp; càng có nhiều cơ hội lao động thì cơ hội cải tạo hoàn lương giúp phạm nhân trở thành người có ích càng lớn", bà Thuỷ nói.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hồng - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh đề xuất, dự luật bổ sung quy định phạm nhân có đồng ý hay không việc lao động ở ngoài trại, đó là quyền của phạm nhân.
Tuy nhiên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, dự luật có thể quy định việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động cần sự đồng ý của họ, nhưng trong thực tế, "phạm nhân không thể không đồng ý nếu quản giáo và giám thị yêu cầu họ lao động".
Theo ông Nhưỡng, không nên vận dụng sai lệch quy định cách ly người bị hình phạt tù ra khỏi xã hội, "ngay cả một số quyền còn bị hạn chế, kể cả quyền thăm nom, sao lại đưa họ ra ngoài lao động?". Ông cũng cho rằng, việc buộc phạm nhân lao động ở bên ngoài mà không do một bản án là "hình phạt ngoài luồng", đó là chưa kể những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra khi đưa họ ra ngoài làm việc.
Không phản đối điều 33, nhưng đại biểu Nguyễn Bá Sơn nói "dự luật cần làm rõ việc trao cho trại giam quyền đưa phạm nhân ra khỏi nơi giam giữ theo quy định nào? Mối quan hệ giữa người lao động với chủ sử dụng ra sao?".
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ phân tích, tù có thời hạn là buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định; trong khi đó cơ sở lao động của doanh nghiệp không phải nơi giam giữ, việc cho phạm nhân đi lao động ở ngoài trại là vượt quá quy định của Bộ luật hình sự.
Làm rõ vấn đề, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho biết, các cơ sở lao động, dạy nghề dù ở ngoài khu vực trại giam nhưng được hiểu là nằm trong sự quản lý của trại giam. Theo ông, dự luật cũng quy định các mẫu thiết kế cơ sở lao động để đảm bảo an ninh; phạm nhân được đưa ra ngoài lao động phải đạt các yêu cầu nhất định; cơ chế quản lý ở các cơ sở lao động cũng như trong trại giam như điểm danh, không tự ý đi lại, thăm thân...
Bộ trưởng Bộ Công an nói, quy định tổ chức cho phạm nhân lao động phù hợp với xu hướng xã hội hoá thi hành án và là tiến trình chung của quá trình cải cách tư pháp.
Chốt phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho hay dự luật được đa số đại biểu đồng tình; với một số nội dung còn ý kiến khác nhau, ông cho biết sẽ gửi phiếu xin ý kiến tới các đai biểu Quốc hội làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý.
Theo chương trình, sáng 14/6 các đại biểu sẽ xem xét, biểu quyết thông qua dự Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Võ Hải