-
Nhà văn Bùi Anh TấnĐối với người cầm bút, khi tác phẩm của anh ta ra đời được tranh luận thì đó là điều hạnh phúc, vì đứa con tinh thần của mình được dư luận quan tâm. Thật là đau khổ khi tác phẩm ra đời rớt tỏm xuống đâu đó, hỏi không ai biết.
Hiện có 4 hình thức tranh luận: hội nghị, bàn tròn, báo viết, mạng Internet, rồi "tranh luận không hợp pháp", kiểu phát tờ rơi khi không thích nhau. Các hình thức tranh luận này cái nào cũng có mặt tích cực và tiêu cực đối với người cầm bút trẻ.
Với hội thảo - bàn tròn thì dường như các cây bút trẻ bị lọt ra ngoài. Đây là nơi chủ yếu dành cho các "cây đa, cây đề", còn hiếm có một tác phẩm của người trẻ nào, từ ngày ra đời, kể cả Nguyễn Ngọc Tư "một chất rất Nam Bộ", hay Nguyễn Ngọc Thuần "giọng viết văn rất lạ", hay anh Mạc Can, 60 tuổi mới viết văn, lọt được vào một cuộc hội thảo nào. Với thơ cũng vậy, chúng ta có nhiều nhà thơ trẻ, phá cách, thì chỉ xì xào khi gặp nhau...
Báo chí giúp đỡ các nhà văn rất nhiều khi phát hiện các gương mặt mới. Nhưng vẫn chỉ quanh quẩn ở một số cây bút ở các thành phố lớn. Chưa kể đôi lúc cây bút trẻ còn phải hợp gu với nhà báo đó (tuy đây là điều không thể tránh được vì là quan điểm cá nhân). Trên Internet, ngoài eVăn, hay Vietnamnet, thì còn có các trang web (máy chủ nằm ở nước ngoài)... tranh luận về văn học. Các trang web này đưa ra các thông tin nhanh, các ý kiến thẳng thắn, mới, dễ phổ cập, nhưng cũng có một số ý kiến quá khích, thậm chí sỉ vả cá nhân lẫn nhau, tạo cảm giác hai người tranh luận này thù nhau từ đời kiếp nào, không còn là học thuật nữa. Còn những tờ rơi, cụ thể như chúng được phát tán trước và sau thềm Đại hội Hội Nhà văn VN vừa qua là vè nói xấu nhau, thì thật là "trò đùa không hợp lý".
Về cá nhân khi tôi viết Một thế giới không có đàn bà, thì hai nhà văn tôi rất kính trọng (xin phép được giấu tên) viết phê bình rất có thiện chí, nhưng điều lạ lùng là phần nhà văn này khen thì nhà văn kia chê, phần nhà văn kia khen thì nhà văn này lại chê, ngược nhau hoàn toàn. Dù hiểu rằng mỗi người một quan điểm nhưng tôi rất bối rối.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần
Thú thật tôi rất ít để ý những cuộc tranh luận văn học, lâu lâu vô tình gặp thì đọc, nghe chơi vậy thôi. Tôi thích cái cảm giác mù tịt về văn chương, thậm chí tôi nghĩ đó là một điều tốt cho văn chương. Khi văn chương đứng bên ngoài những sự kiện, lùi về sau một chút, chẳng sao cả, cũng chẳng có nghĩa là nó lạc lõng. Nó có cái hay và cái dại, tôi thích cả hai.
Tôi là dân mỹ thuật, chúng tôi tranh cãi nhiều lắm, cũng không hề lịch sự như bên văn chương. Chúng tôi "chửi thẳng" vào mặt nhau, nhưng những cuộc tranh luận đó luôn làm chúng tôi vẽ đẹp, sắc sảo và độc đáo hơn. Cũng chẳng ai giận ai. Chúng tôi không lụy vào ngôn từ, không bắt bẻ ngữ nghĩa, chúng tôi đi thẳng vào "thế nào là sự hoàn thiện". Không có những cuộc tranh cãi đó, chúng tôi không thể vẽ đẹp được. Còn những cuộc tranh luận văn chương, theo tôi thấy đa phần rơi vào ngôn từ, siết nhau bởi một câu cú nào đó, và điều đó chẳng thể nào làm nhà văn viết hay lên được. Tôi luôn mong được nghe một cuộc tranh luận mà từ đó tôi có thể sáng ra, bớt tối tăm hơn.
Những người khác thì tôi không biết, nhưng riêng tôi, những cuộc tranh luận hoàn toàn không bị tác động. Tôi nghĩ, là nhà văn thì hãy viết đi, đó là công việc của anh, sự khôn ngoan của anh nằm ở trong hành động viết. Khi một nhà văn rời khỏi trang viết thì sự khôn ngoan của anh ta cũng chấm dứt.
Tôi nghĩ, một người có văn hóa thì anh ta sẽ tự khắc có văn hóa trong tranh luận. Còn để xây dựng một "nền văn hóa tranh luận", thì việc đầu tiên đòi hỏi những con người có văn hóa một sự hiểu biết tối thiểu.
Nhà văn Phan Hồn Nhiên
Những cuộc tranh luận văn học trên báo chí hay diễn đàn của một số tờ báo điện tử trước đây luôn làm tôi hết sức chú ý. Đúng là qua một số cuộc tranh luận, các vấn đề của văn học hiện ra rất rõ, qua những góc nhìn sắc sảo khác nhau, giúp cho người viết trẻ tham khảo được rất nhiều thứ bổ ích, thoát khỏi tình trạng trì trệ của các nếp nghĩ ngỡ như "luôn luôn đúng" ăn sâu.
Ở một khía cạnh nào đó, các tranh luận đúng nghĩa còn là gợi ý hữu ích cho tôi trong việc tìm kiếm tư liệu tham khảo, mở rộng cái nhìn, có động tác kiểm tra lại chính mình, để biết mình đang ở đâu, hiểu biết của mình tới được mức độ nào, mình cần bồi bổ thêm điều gì? Thật sự, việc học qua các diễn đàn, các cuộc tranh luận là có, và có giá trị không kém so với việc tự đọc các tài liệu nghiên cứu.
Tuy nhiên gần đây tôi không hứng thú theo dõi các cuộc tranh luận nữa. Điều tôi muốn tìm kiếm khi theo dõi ý kiến các bên - những vấn đề trong phạm vi văn chương - đang ngày càng mờ nhạt hoặc bị biến thành những cái cớ cho mục đích tranh cãi khác ngoài văn chương. Những vấn đề thực sự của văn học, nhất là văn học trẻ không có ai ngó ngàng đến, thiếu hẳn các diễn đàn chính thống. Cuối cùng, chúng tôi lại quay về việc tự mày mò tìm hiểu, tự suy nghĩ. Nếu may mắn thì có một vài người bạn đồng nghiệp chia sẻ mối quan tâm. Có lẽ không khí tranh luận bây giờ khiến cho nhiều người viết trẻ chúng tôi không thích tham gia nữa. Đầu tư thời gian, suy nghĩ cho việc học và việc viết sắp tới xem ra thú vị và "có lợi" hơn.
(Nguồn: Thể thao & Văn hóa)