Không lâu sau khi bắt đầu cuộc tranh luận, ông Donald Trump đã công kích Trung Quốc, ông gọi Trung Quốc là nguyên nhân cho những khó khăn của kinh tế Mỹ, theo SCMP.
"Các bạn hãy nhìn những gì Trung Quốc gây ra cho đất nước chúng ta, khi họ sản xuất các sản phẩm của chúng ta, họ phá giá tiền tệ nhưng chẳng có ai trong chính phủ của chúng ta chống lại họ. Họ dùng đất nước chúng ta như một con heo đất để giúp tái thiết Trung Quốc, và nhiều quốc gia khác cũng đang làm vậy", ông Trump tuyên bố.
Trong khi tại những kỳ tranh cử tổng thống Mỹ trước đây, Trung Quốc chỉ được nhắc đến trong những bàn thảo về thương mại và nợ công, lần này phạm vi được mở rộng sang cả các lĩnh vực như an ninh mạng, khủng bố và mối đe dọa hạt nhân.
Trong cuộc tranh luận hôm 26/9, cả ông Trump và bà Clinton đã 12 lần nhắc tới Trung Quốc về một loạt vấn đề từ thương mại, internet, Iran, Triều Tiên cũng như hạ tầng của Mỹ.
Năm 2012, trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Barack Obama và Mitt Romney, Trung Quốc chỉ được nhắc đến ba lần bởi ông Romney, trong khi ông Obama hoàn toàn không đả động tới.
Năm 2008, trong cuộc tranh luận của ông Obama với đối thủ John McCain, Trung Quốc được đề cập 5 lần khi các ứng viên bàn về việc Trung Quốc là chủ nợ lớn của Mỹ, cũng như việc hai nước cùng hợp tác áp đặt các lệnh trừng phạt Iran.
Trong cuộc tranh luận vừa qua, ông Trump còn cáo buộc Trung Quốc có những hành vi thương mại không công bằng và khiến việc làm chảy ra khỏi nước Mỹ. Trùm bất động sản còn nhấn mạnh Trung Quốc cần phải giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.
"Chúng ta cần phải chuẩn bị thật kỹ. Tôi không thể loại trừ bất kỳ điều gì vào lúc này. Nhìn vào Triều Tiên xem, chúng ta chẳng làm gì ở đó cả. Trung Quốc cần phải giải quyết vấn đề đó cho chúng ta", ông nói.
Trong khi đó, bà Clinton đề cập Trung Quốc ba lần. Bà cam kết sẽ đối phó thật kiên quyết trước các vụ tấn công mạng. "Cho dù đó là Nga, Trung Quốc, Iran hay ai đó khác, Mỹ có năng lực lớn hơn nhiều. Chúng ta sẽ không ngồi yên và để cho những kẻ tấn công được nhà nước bảo trợ chiếm đoạt thông tin của chúng ta, dù là thông tin về lĩnh vực tư nhân hay lĩnh vực công".
Khi đề cập vấn đề biến đổi khí hậu, bà Clinton nói: "Donald Trump nghĩ rằng biến đổi khí hậu là một trò lừa đảo do người Trung Quốc tạo ra". Đáp lại ông Trump tuyên bố: "Tôi chưa từng nói vậy và hiện cũng không nói vậy".
Nhưng truyền thông Mỹ nhanh chóng chỉ ra một đoạn thông điệp trên Twitter được ông Trump đăng tải năm 2012, nói rằng khái niệm nóng lên toàn cầu là do Trung Quốc tạo ra, nhằm gây tổn hại đến sức cạnh tranh của ngành công nghiệp sản xuất Mỹ.
Tương lai
Các nhà phân tích cho rằng việc ông Trump chỉ trích Trung Quốc nặng nề trong cuộc tranh luận vừa qua không nhất thiết sẽ được chuyển thành những chính sách cụ thể nếu đắc cử.
"Donald Trump vẫn chưa nghĩ ra chính sách cụ thể dành cho Trung Quốc. Ông ta không có những suy nghĩ thấu đáo về Trung Quốc", ông Paul Haenle, giám đốc Trung tâm Carnegie-Thanh Hoa, Đại học Thanh Hoa Trung Quốc, nhận xét.
"Ông ấy đơn giản chỉ sử dụng Trung Quốc như một ví dụ để minh họa cho những lập luận lớn hơn là Mỹ phải gánh vác quá nhiều trọng trách quốc tế, trong khi có chính sách thương mại và kinh tế quốc tế yếu kém".
Ông Yuan Zheng, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc khẳng định những chỉ trích nhắm vào Trung Quốc trong mùa bầu cử tổng thống Mỹ không có gì mới hay đáng ngạc nhiên. Thay vào đó, nó cho thấy mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ giữa hai nước những năm qua, chuyên gia nhận định. Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại lớn thứ hai của nhau.
Ông Yuan nhận xét thêm rằng bà Clinton có vẻ kín đáo hơn trong việc tấn công Trung Quốc trong cuộc tranh luận. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bà ấy sẽ tiếp tục làm vậy khi chiến dịch tranh cử tiến triển. Bà có khả năng nhượng bộ và đứng về phía sức ép công luận hoặc tâm lý chống Trung Quốc, nếu người Mỹ yêu cầu bà phải có quan điểm mạnh mẽ hơn với Trung Quốc.
Chuyên gia quan hệ quốc tế Zhang Yuquan đến từ Đại học Sun Yat-sun, Quảng Châu thì cho rằng, việc các ứng viên đề cập nhiều đến Trung Quốc trong cuộc tranh luận có thể báo trước thách thức lớn với Bắc Kinh, một khi Mỹ có tổng thống mới.
"Nếu ông Trump đắc cử, mối quan hệ Mỹ - Trung có thể gặp bất ổn, trong khi chính sách Trung Quốc của bà Clinton có vẻ nhất quán hơn", chuyên gia Zhang nhận xét.
"Nhưng cho dù ai chiến thắng, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những thách thức khổng lồ từ tân tổng thống Mỹ, bởi ông Trump sẽ cứng rắn với Trung Quốc trong các vấn đề thương mại, còn bà Clinton sẽ củng cố quan hệ với các đồng minh châu Á như Nhật hay Philippines để đối trọng với Trung Quốc trong khu vực", ông nói thêm.
Xem thêm: Lời lẽ thẳng thừng giúp Trump giành điểm sau cuộc đấu với Clinton
Clinton tập dượt cho cuộc đối đầu với Trump thế nào
Hoàng Nguyên