Bụi đời Chợ Lớn là bộ phim đánh dấu sự trở lại của anh em Charlie Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn với dòng phim hành động từ sau Dòng máu anh hùng năm 2006. Phim dự kiến ra mắt khán giả vào dịp cuối tháng 4. Tuy nhiên, đầu tháng, nhà sản xuất cho biết bộ phim đã phải lùi ngày chiếu để biên tập, cắt gọt theo yêu cầu của Hội đồng Trung ương Thẩm định phim truyện vì nhiều cảnh bạo lực, kích động có thể gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ.
Sau khi thông tin hoãn chiếu được công bố, các tranh luận trái chiều nổ ra giữa nhà sản xuất, nhà phát hành, thậm chí khán giả cũng vào cuộc. Câu chuyện về kiểm duyệt phim tại Việt Nam một lần nữa được đưa ra với những quan điểm khác nhau. Chiều 11/4, Cục điện ảnh và một số thành viên ở Hội đồng duyệt phim mới có cuộc gặp với đại diện một số cơ quan truyền thông để lên tiếng chính thức về việc này.
Cục điện ảnh: ‘Bụi đời Chợ Lớn’ vi phạm pháp luật hai lần
Cuộc gặp gỡ với báo giới miền Bắc chiều 11/4 có sự tham gia của lãnh đạo Cục điện ảnh – tiến sĩ Ngô Phương Lan, Cục trưởng; ông Đỗ Duy Anh – Cục phó phụ trách nghệ thuật; ông Khuất Duy Tân – Trưởng phòng phổ biến phim và nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát – một trong 9 thành viên của Hội đồng duyệt.
Theo Cục điện ảnh, ngày 26/10/2012, Cục đã có văn bản Giám định kịch bản phim truyện Bụi đời Chợ Lớn yêu cầu hãng phim cần phải sửa chữa, cắt bỏ hoặc tiết chế những cảnh thể hiện tính chất bạo lực gây hoảng loạn, ghê sợ hoặc phản cảm, loại bỏ một số lời thoại thô tục hoặc có tính chất kích động bạo lực… để tránh vi phạm Luật Điện ảnh. Tuy nhiên, nhà sản xuất vẫn tiến hành quay mà không trình lại kịch bản chỉnh sửa sau khi đã được thẩm định, dẫn đến lần vi phạm thứ nhất.
Cục cũng khuyến cáo nhà sản xuất không đưa vào phim cảnh các băng đảng xã hội đen ngang nhiên hoành hành, dàn trận thanh toán nhau đẫm máu bằng dao, lưỡi lê trên đường phố, trong các ngõ hẻm của TP HCM mà tuyệt nhiên không có sự xuất hiện, hay can thiệp của bất cứ lực lượng xã hội nào. Điều này không đúng với bản chất cuộc sống thành phố khi phim lấy bối cảnh một địa điểm có thật – Chợ Lớn, và cũng không rõ thời gian câu chuyện xảy ra năm bao nhiêu.
Sau khi đem đi trình duyệt, 4 trong số 8 thành viên duyệt phim hôm đó (một thành viên vắng mặt) cho rằng không nên phổ biến bộ phim, 4 thành viên còn lại góp ý chỉnh sửa vì mong muốn ủng hộ phim Việt. Ý kiến của Hội đồng duyệt về Bụi đời Chợ Lớn: “Phản ánh sai lệch hiện thực TP HCM ở khu vực Chợ Lớn – không có người dân, không có chính quyền dẫn đến việc vi phạm luật và kích động. Phim có thể hiện sự hướng thiện nhưng quá mờ nhạt”. Khi chưa có giấy phép phổ biến, nhà sản xuất đã công bố ngày khởi chiếu ấn định là 19/4. Cục cho biết Bụi đời Chợ Lớn vi phạm pháp luật hai lần vào điều 9, Nghị định 54 và điều 11, Luật điện ảnh.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan cũng cho biết từ đầu năm, Cục điện ảnh đã ra hai văn bản thông báo tới các hãng phim xác định lại trình tự duyệt phim nhưng “công ty TNHH Chánh Phương đã vi phạm Luật điện ảnh khi tiến hành sản xuất bộ phim mà không trình thẩm định lại kịch bản theo yêu cầu của cơ quan quản lý”. Sau buổi duyệt 19/3, hôm 22/3, Cục điện ảnh có công văn yêu cầu nhà sản xuất nghiêm túc sửa chữa bộ phim theo tinh thần Giám định kịch bản để trình duyệt lại. Sau đó, nhà sản xuất và phát hành nhận sai sót, khuyết điểm và cam kết sửa chữa.
Bà Ngô Phương Lan cũng cho biết Hội đồng thẩm định và Cục điện ảnh không có nghĩa vụ phải chỉ ra bộ phim cần sửa ở đâu, ra sao vì như vậy sẽ là can thiệp vào quá trình sáng tạo của các nhà làm phim. Việc sửa chữa có kịp hay không cũng không thuộc nghĩa vụ hay việc của Cục điện ảnh. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết các phim Việt khi đi trình duyệt đã rất được ưu ái, có nhiều tác phẩm Hội đồng còn chấp nhận xem những “bán thành phẩm, chưa hòa âm. Nếu cần chỉnh sửa thì hội đồng góp ý chân thành để không vì một chi tiết nhỏ mà làm hỏng cả bộ phim” – bà Ngát nói.
Charlie Nguyễn: Bế tắc khi tìm lối thoát cho bộ phim
Sau cuộc họp với Cục điện ảnh, VnExpress có trao đổi với Charlie Nguyễn – đạo diễn của Bụi đời Chợ Lớn. Anh cho biết: “5 bộ phim tôi làm khi nhận được góp ý, tôi ghi nhận và cái nào hợp lý thì nhất định sửa còn nếu không hợp với cấu trúc và đường dây câu chuyện thì khó sửa được vì bản chất đường dây và nhân vật nó đã thế rồi. Tôi đã đọc Luật điện ảnh, điều 23 nói về bạo động trong phim. Tôi hiểu rõ luật pháp thế nào và đồng ý, ủng hộ 100%. Tất nhiên cái gì là vi phạm luật pháp thì mình đã tránh rồi. Mình nhìn theo điều 23 Luật Điện ảnh về bạo lực, căn cứ vào đó thì thấy mình không phạm luật. Nhưng có thể khi xem phim, mỗi người lại suy diễn một kiểu?”.
Phản ứng trước kết luận của Hội đồng duyệt rằng phim phản ánh sai sự thật khi để hàng trăm người trong các băng đảng đánh nhau ngày ngày qua ngày khác mà không có sự can thiệp của chính quyền ở một địa danh có thật là Chợ Lớn, Charlie Nguyễn cho biết rất khó cho người làm phim nếu quay ở địa danh nào thì phải tìm hiểu lịch sử của nơi đó và viết kịch bản y nguyên theo lịch sử. Vị đạo diễn cũng nói thêm: “Cảnh đánh nhau mà Cục nói đến là 100 người chia làm hai phe, phe thiện có 30 người còn phe phản diện có 70 người. Chuyện đó chỉ xảy ra một đêm chứ không phải ngày qua ngày hay hàng tháng”.
Charlie Nguyễn cho hay Bụi đời Chợ Lớn thuộc thể loại hành động võ thuật giả tưởng về giới giang hồ như một phim giải trí thông thường của Hollywood và chỉ cuối phim thì cảnh sát mới xuất hiện. Anh buồn rầu cho biết vì Cục điện ảnh không nói là cần sửa thế nào, cắt thế nào nên êkíp đang lâm vào bế tắc, nếu cắt toàn bộ các cảnh hành động, đánh nhau thì đồng nghĩa với việc quay lại một bộ phim mới và khi không biết được bộ phim phải ra sao để được duyệt thì kinh phí sẽ không thể đáp ứng nổi.
Theo một nguồn tin, sau buổi duyệt và nhận góp ý từ Hội đồng duyệt, Charlie Nguyễn đã quay thêm, quay lại một số cảnh của Bụi đời Chợ Lớn hai lần để chỉnh sửa nhưng những phiên bản sau khi đem đi trình duyệt vẫn chưa nhận được “thẻ xanh”. Charlie Nguyễn cùng êkíp và nhà phát hành đưa ra rất nhiều phương án nhưng vẫn lâm vào bế tắc và phải lựa chọn giữa hai tình huống – Bụi đời Chợ Lớn sẽ không còn nguyên vẹn và thay đổi hoàn toàn khi ra rạp, hoặc bộ phim sẽ mãi mãi không đến được với khán giả.
Khán giả vào cuộc: Liệu có cấm được phim bạo lực?
Sau khi thông tin hoãn chiếu Bụi đời Chợ Lớn vì không qua kiểm duyệt, khán giả cũng tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội, diễn đàn về vấn đề này. Ban đầu, ý kiến số đông hùa theo việc đả kích lại sự khắt khe của Hội đồng duyệt phim nhưng sau đó, những luồng ý kiến khác cũng xuất hiện càng khiến câu chuyện kiểm duyệt trở nên phức tạp hơn.
Cục điện ảnh cũng có những lý lẽ riêng khi yêu cầu chỉnh sửa hoặc cấm phổ biến các bộ phim. Luật điện ảnh được đề ra và những tác phẩm điện ảnh, dù là trong hay ngoài nước khi vi phạm một trong những điều luật về phổ biến, phát hành thì đều phải tuân thủ và chịu trách nhiệm. Mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ đều có những quy định riêng. Chính vì vậy, một số bộ phim dù được phổ biến rộng rãi và tạo nên cơn sốt toàn cầu như The Hunger Games năm ngoái nhưng khi không phù hợp với những điều luật đã đề ra thì không thể phổ biến được tại Việt Nam.
Nếu xét theo các mốc thời gian dài, cũng có thể thấy Hội đồng duyệt ở Việt Nam trong thời gian gần đây đã “thoáng” hơn so với ngày xưa rất nhiều khi các phim kinh dị, có yếu tố rùng rợn hay một số phim có cảnh nóng có thể hơi nhạy cảm một chút cũng đã đến được với khán giả bằng việc phân loại độ tuổi trên 16, tạo điều kiện để người xem có dịp ra rạp thưởng thức những tác phẩm phong phú hơn về mặt thể loại so với ngày trước. Ở Trung Quốc, hệ thống kiểm duyệt còn gắt gao hơn khi nhiều bộ phim lớn như Avatar, Cloud Atlas bị cắt tơi tả, hay Iron Man 3 phải có bản phim riêng cho thị trường này.
Tuy nhiên, khán giả cũng như các nhà làm phim ngày nay được tiếp cận với điện ảnh qua rất nhiều hình thức, nếu không phải ra rạp thì cũng là lên mạng hay mua đĩa hoặc ra nước ngoài xem. Chính vì thế, cái nhìn về chuẩn mực thế nào là phim hành động, thế nào là phim tình cảm, phim bạo lực, khiêu dâm cũng rất khác.
Không ít khán giả đã xem những bộ phim tham dự LHP Cannes với cảnh sex trần trụi hay cảnh bạo lực gây chấn động thị giác hay các bom tấn hành động Hollywood có các cảnh cho nổ tung cả thành phố. Việc kiểm duyệt phần nào can thiệp vào sự sáng tạo của các nhà làm phim, đặc biệt là khi Charlie Nguyễn vốn là đạo diễn gốc Việt từng sống và làm việc tại Hollywood nên ít nhiều bị ảnh hưởng bởi phong cách Mỹ, những chuẩn mực và tư duy về làm phim, nhận định các yếu tố nhạy cảm sẽ khác so với Hội đồng duyệt – những người đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng phổ biến văn hóa phim ảnh tới khán giả trong nước.
Độc giả VnExpress cũng có những ý kiến khác nhau về vấn đề này. Ý kiến của độc giả phuongnguyen được nhiều người tán thành: “Tôi ủng hộ quan điểm ‘bảo vệ trẻ khỏi cái xấu’ nhưng không có nghĩa là đặt ra quá nhiều quy định thừa như vậy. Bởi vì nhan nhản phim bạo lực, kinh dị trên tivi, internet rồi kìa. Sao không nghĩ cách ngăn chặn những cái đang hiện hữu đi. Chứ chỉnh sửa kiểu đó, mất tính chất của phim. Đó là lý do rất nhiều phim Việt cứ bị dở dở ương ương. Tại sao không cấm dưới 18 tuổi? Chặt chẽ ngay từ đầu, bán vé bắt xuất CMND (nếu nghi ngờ) và soát vé thì tuyệt đối không cho vào...”.
Độc giả có nickname GirlonFire nói: “Lý do là phim sai sự thật đời sống không thuyết phục. Phim ảnh thì đôi khi vẫn có sự ‘điêu’, nếu mà thật quá thì khác nào phim tài liệu, huống chi nhiều bộ phim đóng mác là phim giả tưởng rồi thì sao có thể đòi hỏi ‘thật’ được. Tôi lấy ví dụ như các phim về quái vật ngoài hành tinh, mấy thành phố như Los Angeles hay New York toàn bị tấn công. Đó có phải là sự thật đời sống?”.
Cũng có nhiều độc giả tỏ ra nghi ngại về yếu tố bạo lực. “Xem trailer, tôi thấy bộ phim quá kích động, không nên quảng cáo hay chiếu vì sẽ ảnh hưởng đến lớp trẻ nhất là gần đây xảy ra quá nhiều vụ cướp và giết”, độc giả Hoàng Thị Ngọc Mai viết. Một độc giả khác lại có ý kiến: “Là phim hành động nhưng cũng nên có sự tiết chế, không nên quá bạo lực sẽ dễ gây ám ảnh. Ủng hộ phim Việt nhưng thiết nghĩ các nhà làm phim cũng nên chú ý một chút bởi các chuẩn mực văn hóa trong nước vẫn rất phức tạp và nhạy cảm”.
Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay, không khó để khán giả tìm kiếm thông tin trên internet. Thêm vào đó hiện còn có tình trạng như các phim “cấm” thì lại càng gây tò mò và gây hiệu ứng (như trường hợp The Hunger Games năm ngoái), buộc khán giả phải tìm xem dù dưới hình thức nào. Câu hỏi được đặt ra là “Liệu có cấm được phim bạo lực?”.
Trong cuộc họp giữa Cục điện ảnh với một số đại diện báo chí miền Bắc, vấn đề phân loại phim cũng được đặt ra. Cục trưởng Ngô Phương Lan cho biết đặc thù về hệ thống phân loại ở mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ là khác nhau, rất khó có một hệ thống chung cho tất cả. Như đặc thù về duyệt phim ở Việt Nam và theo luật thì mới có một mức độ là Phim cấm khán giả dưới 16 tuổi và Phim dành cho mọi đối tượng khán giả.
Trước một số ý kiến cho rằng nên có hệ thống phân loại như của Hollywood - (NC-17 là Cấm khán giả dưới 18 tuổi, R là Khán giả dưới 17 tuổi cần có cha mẹ xem kèm, PG-13 là Khán giả dưới 13 tuổi cần có cha mẹ xem kèm, PG là Trẻ em cần có cha mẹ xem kèm và G là dành cho tất cả đối tượng khán giả), bà Ngô Phương Lan nói: “Cục điện ảnh ghi nhận và sẽ cân nhắc sửa đổi Luật điện ảnh và bổ sung trong thời gian tới”.
Nguyên Minh