Những nghi vấn gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 được thổi bùng lên khi thí sinh trúng tuyển với mức điểm cao ở trường quân đội, công an, y khoa đến từ tỉnh miền núi phía Bắc như Hòa Bình, Lạng Sơn, Sơn La. Hiện chưa có kết luận chính thức, song nhiều người đặt ra câu hỏi xử lý thế nào với thí sinh bị phát hiện được nâng điểm và trúng tuyển đại học.
Đề nghị hủy kết quả, cấm thi một năm
PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, khẳng định những thí sinh được nâng điểm phải bị hủy kết quả bài thi và cấm thi trong năm tiếp theo. Với những em nhờ kết quả gian lận này vào được đại học, các trường có quyền loại khỏi danh sách trúng tuyển. "Cần hủy chứ không phải hạ điểm như với 114 thí sinh Hà Giang để đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh khác, đồng thời cảnh báo những sai phạm tiếp theo", ông Dũng nói.
Cùng quan điểm với PGS Dũng, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo), khẳng định xử lý gian lận thi cử phải đảm bảo hai yêu cầu tạo sự công bằng và răn đe sai phạm. Một thí sinh mang tài liệu vào phòng thi, chưa kịp sử dụng, nếu bị phát hiện thì lập tức bị đình chỉ thi, coi như hỏng thi năm đó. Trong khi đó thí sinh được nâng điểm, kết quả gấp nhiều lần thực chất mà chỉ bị hạ điểm thì "quá vô lý".
Để xử lý thí sinh được nâng điểm, ông Vinh cho rằng Bộ Giáo dục cần thành lập hội đồng, ra quy chế khác. Có thể thí sinh không liên quan đến gian lận mà bị hủy kết quả thì các em với tư cách công dân 18 tuổi có quyền khởi kiện những người tham gia vào quá trình sửa điểm.
Sự gian lận ở một số tỉnh bị phát hiện vừa qua, theo ông Vinh, rơi vào nhóm nhỏ con em nhà có điều kiện, cha mẹ có chức quyền, quan hệ xã hội rộng. Nay dư luận dường như đang đánh đồng toàn bộ thí sinh các tỉnh đó có sai phạm. "Cần xử lý thấu đáo để tạo công bằng cho thí sinh cả nước, đặc biệt là các em ở chính tỉnh đó. Xử lý chuyện này phải dựa trên sự nghiêm minh của pháp luật, đừng cảm tính, đừng vì lợi ích của một nhóm người mà ảnh hưởng đến gần triệu thí sinh thi cử nghiêm túc", ông bày tỏ.
Lãnh đạo một đại học TP HCM quả quyết không thể nói thí sinh vô can trong gian lận thi cử, sửa điểm. "Ngay cả trường hợp tham gia thi nghiêm túc, cha mẹ hoặc người khác nâng điểm mà không hề hay biết thì đến lúc biết điểm thi, thí sinh dễ dàng nhận ra sự bất thường. Các em đã không dám tố cáo sai phạm nên có thể coi là đồng phạm", ông nêu quan điểm và đề nghị bất cứ bài thi nào bị phát hiện được nâng điểm thì phải hủy toàn bộ kết quả thi.
Chưa đủ cơ sở pháp lý để hủy kết quả
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó phòng Đào tạo Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, phân tích theo quy định hiện nay thì không thể hủy kết quả thi hoặc đình chỉ thi năm tới của thí sinh được nâng điểm. Bởi nếu chỉ xác định bài thi được nâng bởi tác động của cha mẹ, cán bộ chấm thi thì cũng không xác định thí sinh có tham gia. Thí sinh lúc này là người bị động. "Chỉ có thể yêu cầu chấm lại bài thi gốc của những em này rồi dùng kết quả đó để xét tuyển lại. Nếu điểm bị giảm không đủ trúng tuyển mới loại được em đó", ông Sơn nói.
Ông Sơn bày tỏ quan điểm không nên đánh đồng thí sinh ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang hoặc nghi ngờ nếu các em đỗ đạt cao vào đại học, khi chưa có chứng cứ. Sự gian lận vừa qua dường như là "cuộc chơi" của người lớn, không nên đả động quá nhiều đến thí sinh bởi sẽ gây ức chế tâm lý cho các em.
Nói về quá trình hậu kiểm, đào thải những thí sinh kém chất lượng, nhờ gian lận vào trường, theo ông Sơn là không khó bởi các đại học có nhiều đợt kiểm tra. Phương án tổ chức một kỳ sát hạch riêng đầu năm học để loại thí sinh bị nghi ngờ gian lận là việc không cần thiết và không đúng quy định.
PGS Đỗ Văn Xê (Đại học Cần Thơ) nêu quan điểm, nếu cơ quan có thẩm quyền đưa ra được bằng chứng thí sinh có hành vi gian dối, tham gia vào quá trình sửa điểm thì có thể hủy kết quả thi. Từ căn cứ này, các đại học loại thí sinh. Ngoài trường hợp trên, tất cả đều không thể suy đoán cảm tính mà phải có bằng chứng cụ thể. Bởi các em đã tham gia quá trình thi đúng quy chế và không can dự vào quá trình chấm thi thì không thể bị xem xét trách nhiệm.
Ngay cả việc cho thi lại cũng không khả thi vì thi cử có yếu tố may rủi, nhất là thi trắc nghiệm, nên kết quả mới không nói lên điều gì. Ông Xê phản đối nghi ngờ của nhiều người về một số trường hợp thí sinh học bình thường ở trường phổ thông nhưng đạt kết quả rất cao trong kỳ thi THPT quốc gia.
"Về lý thuyết thì có sự tương quan giữa quá trình học và thi, học kém thì thi kém, nhưng không nên suy diễn, không thể loại trừ yếu tố may mắn, sự nỗ lực vượt bậc trong quá trình ôn thi. Nếu thi và học mà mặc định trùng khớp thì người ta tổ chức hẳn một kỳ thi làm gì", ông Xê nói.
Về giải pháp trước mắt, theo PGS Xê, các tỉnh còn bài thi gốc có thể mang ra chấm lại, từ đó cung cấp dữ liệu cho đại học để xét tuyển. Đại học có các kỳ sát hạch trong năm để loại dần thí sinh kém. Suốt khóa học, bất cứ lúc nào phát hiện thí sinh từng gian dối, nhà trường có thể cho thôi học.
Đang trong quá trình xử lý, kết quả thi hiện có được tạm chấp nhận
Đề cập việc nhiều đại học top đầu của công an, quân đội phát hiện thí sinh điểm cao đến từ địa phương đang bị điều tra gian lận thi cử, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục) nói đây là một thực tế, đúng như báo chí đã phân tích và đưa ra số liệu.
Theo ông Trinh, công an đang điều tra nên kết quả thi công bố ngày 11/7 được tạm thời chấp nhận. "Khi có kết quả điều tra, Bộ sẽ soi chiếu vào quy chế để xử lý, trả điểm thực tế cho thí sinh, thậm chí xử lý ở mức độ cao nhất. Chúng ta cần có thời gian chờ đợi", ông nói.
Cục trưởng Quản lý chất lượng cho rằng những sai phạm ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình là cá biệt, không thể nói 63 tỉnh thành đều như thế. Hiện, chưa có đại học nào đề xuất Bộ rà soát điểm thi đầu vào. Việc tuyển sinh và giải pháp để nâng cao chất lượng là việc tự chủ của đại học. Các trường có quyền sử dụng kết quả kỳ thi THPT ở mức độ khác nhau, có thể đặt những giải pháp sơ tuyển, đánh giá thêm về năng lực, đặt hệ số điểm cho môn chính.
"Nếu các trường đề xuất, trường hợp nếu cần Bộ Giáo dục sẽ hỗ trợ trong phạm vi của mình", ông khẳng định.
Về lâu dài, theo ông Trinh, đại học phải siết chặt trong quá trình đào tạo để đến một lúc nào đó việc tuyển sinh sẽ nhẹ nhàng, thậm chí nếu học sinh có điều kiện kinh tế, có nguyện vọng thì cứ vào học, nhưng sẽ được sàng lọc kỹ. Nếu làm được điều đó thì sẽ không còn gian lận.
>>Quy định về xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi.
Năm 2018, cả nước có hơn 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia. Sau khi Bộ Giáo dục công bố điểm thi, dư luận bất ngờ khi Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có số thí sinh đạt điểm giỏi tăng đột biến, trong khi đều là vùng trũng giáo dục. Tại Lạng Sơn, nhóm thí sinh tự do là cảnh sát cơ động có nhiều điểm khá giỏi.
Bộ Giáo dục sau đó thành lập 4 tổ công tới 4 địa phương xác minh dấu hiệu bất thường. Kết quả Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đều có dấu hiệu gian lận, công an đã khởi tố vụ án hình sự, bắt giam một số cán bộ. Tại Lạng Sơn, tổ công tác của Bộ Giáo dục chưa thấy có dấu hiệu bất thường, dù một số bài thi Ngữ văn tự luận đã bị hạ điểm.
Hiện chỉ Hà Giang xác minh có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi được nâng điểm và đã thay thế bằng điểm chấm thẩm định cho các em. Ba địa phương còn lại công an vẫn đang điều tra.