Luật sư Trừng tiếp xúc với Năm Cam đầu giờ. |
Luật sư Nguyễn Đăng Trừng vẫn giữ nguyên quan điểm bào chữa tại phiên tòa sơ thẩm và cho rằng Năm Cam không chủ mưu giết người. Thân chủ của ông không hề lo sợ Dung Hà, bởi lẽ thời điểm đó Năm Cam đứng đầu giới giang hồ TP HCM; đàn anh của Dung Hà còn quy phục Năm Cam thì Dung Hà sao dám cạnh tranh. Năm Cam còn nhiều lần giúp đỡ, cho tiền Dung Hà để làm ăn... Luật sư cho rằng người có mâu thuẫn sâu sắc phải tìm cách giết Dung Hà chính là Hải Bánh.
Luật sư Lưu Văn Tám đi sâu vào phân tích mối quan hệ giữa bộ tứ Trương Văn Cam - Dung Hà - Hải Bánh - Tống Viết Hòa. Trong đó phía Hải và Hòa có mâu thuẫn với phía Dung Hà và Năm Cam. Cụ thể, Dung Hà quậy phá tiệm massage của Hải và vũ trường Phi Thuyền của Tống Viết Hòa, và là nơi Hải trực tiếp bảo kê. Về quan hệ giữa Hòa với Hải, luật sư Tám phân tích Hòa đã tìm mọi cách phủ nhận, nhưng qua xét hỏi đã phải thừa nhận quan hệ từ quen biết, đến thân thiết, rồi rất thân. Hòa lại từng khai rằng ông ta có mâu thuẫn, tư thù với Năm Cam đến mức độ “hắn (Năm Cam) tâm sự với người quen sẽ tổ chức giết tôi”. Theo luật sư Tám, như vậy có thể nhận định Hải Bánh đã bảo vệ Tống Viết Hòa, và “bịa đặt nhằm đổ vấy trách nhiệm cho Năm Cam”. Ngoài ra Nguyễn Thị Nghiệp (vợ Minh "Sứt") còn có lời khai về mối quan hệ Trương Văn Cam - Dung Hà - Hải Bánh, theo đó chính Hải - Hòa mới có mâu thuẫn với Dung Hà - Năm Cam.
"Liệu có đáng tin cậy, khách quan khi dùng lời khai Hải Bánh làm chứng cứ đưa Năm Cam tới án tử hình không?" - luật sư Lưu Văn Tám đặt vấn đề.
Phần tranh luận giữa luật sư và VKS về nội dung này rất quyết liệt. Đại diện công tố nói: “Năm Cam giữ vai trò quyết định, mang tính chất một tên trùm xã hội đen, chứ VKS không quy kết Năm Cam chủ mưu giết Dung Hà như luật sư bào chữa”. Riêng vai trò của Tống Viết Hòa trước, trong và sau khi xảy ra vụ án giết Dung Hà, đại diện công tố giải thích đã đề nghị HĐXX kiến nghị Cơ quan điều tra làm rõ hành vi “không tố giác tội phạm” và hành vi liên quan. Lời nhận tội của Năm Cam phù hợp với lời khai những bị cáo khác, nên có cơ sở kết luận vai trò Năm Cam trong vụ án.
Thẩm phán tại tòa, với nhiệm vụ điều khiển phần tranh tụng giữa luật sư và công tố, đã nhắc nhở luật sư không đặt ra những vấn đề Cơ quan điều tra chưa làm rõ vì “hành vi đó thế nào, ra sao là trách nhiệm của Cơ quan điều tra”. Tòa đồng thời giải thích VKS không có nghĩa vụ trả lời những nội dung liên quan đến Tống Viết Hòa.
Liên quan đến vụ giết người này, luật sư của các bị cáo Nguyễn Xuân Trường (Trường "Xoăn") và Nguyễn Việt Hưng xin giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ của mình. Luật sư Nguyễn Bích Phượng bào chữa cho Trường lập luận: Hải và Trường cùng có lời khai giống nhau về vai trò của Trường là đồng phạm ngẫu nhiên, đột xuất, không tích cực tham gia, không có bàn bạc phân công cụ thể, không được hứa hẹn trả công. Vì vậy hình phạt tù chung thân mà cấp sơ thẩm tuyên là quá nặng. Luật sư Lê Thị Ngọt bào chữa cho Hưng đưa ra tình tiết giảm nhẹ là gia đình bị cáo có công với cách mạng; bị cáo thực hiện hành vi phạm tội chớp nhoáng, sau đó chạy trốn, không phải quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng. Về bản án năm 1997, bị cáo đã chấp hành xong và khi gây án giết Dung Hà thì đã đương nhiên được xóa án tích, nên không thuộc trường hợp tái phạm.
Đại diện VKS bác toàn bộ các lập luận trên, khẳng định Trường "Xoăn" tham gia gây án rất tích cực. Thời hạn xóa án tích với Hưng phải tính theo thời điểm phúc thẩm bản án cũ, nên khi Hưng gây án lần nữa vẫn chưa đủ thời gian đương nhiên được xóa án tích, vì vậy vẫn phải coi là tái phạm.
Về hành vi nhận hối lộ mà cấp sơ thẩm tuyên phạt Năm Cam án tử hình, luật sư Nguyễn Đăng Trừng cho rằng chưa hợp lý. Bởi thân chủ của ông chỉ phải chịu trách nhiệm về khoản tiền 10.000 USD đưa cho Trần Văn Thuyết năm 1995 để chạy tội. Số còn lại (65.000 USD) là do Trương Thị Sẫm, Phan Thị Trúc, Dương Ngọc Hiệp vì quá lo lắng mà tự bỏ ra chạy chọt cho Năm Cam. Còn việc đưa hối lộ cho công an các phường 12, 13 (quận 8) và Đội Cảnh sát hình sự quận 8 là do Tô Văn Tốt chịu trách nhiệm, Năm Cam không phải là chủ mưu.
Luật sư Trừng nói: “Cần phân biệt tiền ngoại giao khác với tiền hối lộ. Khoản tiền ngoại giao để chi cho 3 mục đích bảo kê dư luận (chi cho một số nhà báo), bảo kê chi cho giang hồ để giữ trật tự, bảo kê về pháp luật. Theo luật thì tiền đưa cho 2 mục đích đầu không phải là tiền hối lộ”. Tổng số tiền đưa hối lộ mà Năm Cam phải chịu trách nhiệm, theo ông Trừng, chỉ cần hình phạt tù chung thân cũng đủ sức răn đe.
Đại diện VKS bác bỏ lời bào chữa trên và cho rằng: “Chỉ cần bàn bạc, sử dụng số tiền đó để đưa hối lộ là có tội. Không cần xác định tiền đưa cho ai, nguồn gốc số tiền như thế nào”.
Thiên Nguyên