Chiều 14/11, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Phó đoàn Quảng Bình) cho rằng đây là hành động táo bạo, đổi mới để thực hiện Nghị quyết 18 của Quốc hội về tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy.
Theo ông Phương, việc giảm đầu mối sẽ giảm bớt thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, tạo sự chủ động cho Chính phủ và chính quyền Hà Nội trong chuẩn bị nhân sự và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp cũng như tiến tới bầu cử HĐND các cấp ở thành phố. "Sau khi thí điểm ở Hà Nội, mô hình này có thể nhân rộng ra toàn quốc để tinh giản biên chế", ông Phương nói.
Chung ý kiến, đại biểu Phùng Văn Hùng (Ủy ban Kinh tế) nói, những năm qua, tổ chức bộ máy nhà nước chưa có nhiều đổi mới mang tính chất đột phá. Bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp, gồm tỉnh, huyện và xã tồn tại trên 70 năm, kể từ ngày thành lập nước. Qua thời gian, nhiều yếu tố tác động trực tiếp đến bộ máy, chức năng của Nhà nước đã thu hẹp và thay đổi rất nhiều.
Ngày nay, nhà nước không còn tham gia trực tiếp vào việc cung cấp nhiều loại dịch vụ công, mà các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đảm nhận như dịch vụ cung cấp điện, nước, giáo dục đào tạo, xử lý rác thải, môi trường...
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật hiện được xây dựng khá hoàn chỉnh, bao quát được tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, trình độ và ý thức pháp luật của người dân được nâng cao. Đặc biệt, ở đô thị, tính tập trung cao và đa dạng về nguồn lực, ranh giới địa lý hành chính không có nhiều ý nghĩa khi các dịch vụ công được tổ chức ở quy mô thành phố... Vì vậy, một số chức năng, nhiệm vụ của chính quyền phường đã không còn phù hợp.
"Tổ chức cấp chính quyền phường hiện nay tạo nên một bộ máy cồng kềnh, làm chậm quá trình tổ chức, triển khai các chủ trương, chính sách, làm lãng phí nguồn lực", ông Hùng nói và cho hay hầu hết bộ máy nhà nước các nước trên thế giới chỉ tổ chức ở 3 cấp là cấp trung ương, cấp tiểu bang và cấp chính quyền địa phương, chỉ có một vài nước trên thế giới có 4 cấp như Việt Nam.
Tuy nhiên, đại biểu Lê Thanh Vân (Ủy ban Tài chính Ngân sách) lại lo ngại việc không tổ chức HĐND ở Hà Nội sẽ vi hiến. Điều 110 của Hiến pháp quy định phường là một đơn vị hành chính, Điều 111 quy định "chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND". "Như vậy nếu không tổ chức HĐND cấp phường ở Hà Nội thì chỉ có nửa chính quyền, mà một nửa chính quyền thì không gọi là chính quyền được", ông Vân nói.
Ông Vân cho biết thêm, rất ủng hộ chủ trương cải cách bộ máy nhà nước, tinh giản theo hướng tập trung vào vai trò cá nhân, nhưng đề nghị phải có sự kiểm soát mạnh mẽ. HĐND phường ở các đô thị đang không phát huy hiệu quả vì được trao quyền, nhưng không bảo đảm các điều kiện cho họ thực hiện, như có đại biểu nói là "trao súng mà không cho đạn".
Trả lời đại biểu Lê Thanh Vân, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, việc không tổ chức HĐND cấp phường là nhu cầu thực sự của địa phương chứ không phải chỉ Hà Nội. Khi xây dựng đề án, việc đầu tiên thành phố quan tâm là việc này có vi hiến hay không. Vì vậy, nhiều cuộc hội thảo xin ý kiến các nhà luật học, nhà quản lý được tổ chức và các ý kiến đều cho rằng không vi hiến.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng khẳng định "nội dung dự thảo nghị quyết cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên".
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết yêu cầu xây dựng dự án bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn của Hà Nội. Thủ đô là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, quy mô dân số thứ hai cả nước, dân cư sống tập trung trong khi bộ máy chính quyền hiện có 3 cấp.
"Có thể giảm một cấp chính quyền để giảm tầng nấc, làm gọn nhẹ hệ thống hành chính và giúp cho các quyết định điều hành đối với cơ quan hành chính cấp dưới nhanh hơn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn", bà nói.
Theo bà Ngọc, Hà Nội đã rà soát, thu thập số liệu phục vụ xây dựng đề án với 88 cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, trong đó có các sở ban ngành, 30 quận huyện thị xã; tổ chức điều tra trên 7.600 phiếu với 3 nhóm đối tượng cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã, thôn, tổ dân phố. Kết quả là đa số đồng tình với đề án và chuẩn bị tâm thế sẵn sàng thực hiện. "Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ tác động, đảm bảo khi thực hiện đề án thì quyền làm chủ của người dân không bị hạn chế", bà nói.
Theo chương trình, ngày 27/11 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.
Viết Tuân - Hoàng Thùy