Sau nhiều lần tạm hoãn, chiều 26/3, TAND quận 1 mở phiên xử sơ thẩm vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn Nguyễn Thị Thu Hà và bị đơn là Công ty luật TNHH Baker & McKenzie Việt Nam (Công ty Baker & McKenzie Việt Nam).
Công ty TNHH nghiên cứu Thiên Đỉnh (Công ty Thiên Đỉnh), Công ty TNHH IQVIA RDS Việt Nam được xác định là bên có quyền, nghĩa vụ liên quan.

Các tài liệu liên quan vụ kiện của bà Nguyễn Thị Thu Hà được trình chiếu tại phiên xử - một "phiên tòa số" của TAND quận 1. Ảnh: Bình Nguyên
Tại tòa, người đại diện theo ủy quyền của bà Hà trình bày, Công ty Baker & McKenzie Việt Nam đã cung cấp dịch vụ pháp lý cho Công ty Thiên Đỉnh - nơi bà từng giữ chức Giám đốc Tài chính và tư vấn pháp luật về phương án sử dụng lao động, khiến bà bị sa thải trái pháp luật (theo bản án đã có hiệu lực pháp luật).
Cụ thể, năm 2008, bà Hà ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với Công ty Thiên Đỉnh - thuộc Tập đoàn IQVIA, với chức danh Giám đốc tài chính. Đến năm 2018, bà được bổ nhiệm kiêm nhiệm vị trí Kế toán trưởng của Công ty Thiên Đỉnh và Công ty TNHH IQVIA RDS Việt Nam với mức lương hơn 80 triệu đồng đến 196 triệu đồng một tháng.
Năm 2020, bà bị Công ty Thiên Đỉnh chấm dứt hợp đồng lao động với lý do thay đổi cơ cấu, dựa trên phương án sử dụng lao động của công ty.
Cho rằng việc chấm dứt hợp đồng lao động này là trái quy định pháp luật, bà Hà khởi kiện Công ty Thiên Đỉnh, yêu cầu bồi thường tổng cộng hơn 9,4 tỷ đồng.
Năm 2023, TAND quận 10 xử sơ thẩm nhận định Công ty Thiên Đỉnh chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Hà "là đúng quy định của pháp luật" nên bác yêu cầu khởi kiện. Tuy nhiên, đến giữa năm 2024, TAND TP HCM xử phúc thẩm đã đưa ra phán quyết ngược lại với tòa sơ thẩm - xác định việc Công ty Thiên Đỉnh đơn phương chấp dứt hợp đồng lao động với bà Hà là trái quy định tại Điều 39 Bộ luật Lao động 2012; tuyên buộc phải bồi thường cho bà Hà 9,4 tỷ đồng.
Sau khi vụ án trên kết thúc, bà Hà kiện Công ty luật Baker & McKenzie Việt Nam vì cho là "đã có một số vi phạm pháp luật, vi phạm phạm vi hành nghề", gây thiệt hại quyền lợi hợp pháp của bà.
Ban đầu bà yêu cầu Công ty Baker & McKenzie Việt Nam xin lỗi công khai và bồi thường 18 triệu đồng thiệt hại danh dự, nhưng tại tòa hôm nay bà thay đổi yêu cầu - chỉ đòi bồi thường 0 đồng.
Theo nguyên đơn, Baker & McKenzie Việt Nam là công ty 100% vốn nước ngoài được thành lập tại Việt Nam. Theo quy định, công ty luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam chỉ được thực hiện tư vấn pháp luật, và các dịch vụ pháp lý khác, không được cử luật sư nước ngoài và luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tham gia tố tụng là người đại diện ủy quyền, bảo vệ quyền lợi cho đương sự trước tòa án.
Trong khi đó, ông Kwong Pak Ho không phải là luật sư của Công ty Baker & McKenzie Việt Nam nhưng vẫn tham gia hoạt động tại Việt Nam là vi phạm pháp luật Việt Nam. Việc này, bị đơn biết nhưng vẫn để ông Kwong Pak Ho tham gia. Chứng cứ là biên bản thu giữ máy tính, điện thoại di động của bà Hà "có chữ ký của ông Kwong Pak Ho" là thành viên của Công ty Baker & McKenzie – Hong Kong.
Ngoài ra, Công ty luật Baker & McKenzie Việt Nam đã cử luật sư tham gia tố tụng tại phiên sơ thẩm vụ án tranh chấp lao động của bà tại TAND quận 10 với tư cách "đại diện ủy quyền" và "bảo vệ quyền lợi" cho Công ty Thiên Đỉnh. Bằng chứng là trên trang web của công ty này có tên những luật sư liên quan.
Trong đơn kiện, bà Hà trình bày quá trình tư vấn pháp lý cho Công ty Thiên Đỉnh, thì phía Baker & McKenzie Việt Nam cử 2 nhân viên nhưng không có ủy quyền hợp pháp, đã tham gia trực tiếp vào việc thực hiện các cuộc rà soát; trực tiếp thu giữ máy tính, điện thoại di động của bà Hà; cử người không phải luật sư nhưng tham gia tư vấn pháp luật về phương án sử dụng lao động của Công ty Thiên Đỉnh, mục đích cho bà Hà nghỉ việc là xâm phạm đến quyền và lợi ích của bà.
Theo phía bà Hà, Công ty Baker & Mckenzie Việt Nam đã vi phạm Điều 70 Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012 và Điều 31 Nghị định 123/2013, Nghị định 137/2018 quy định chi tiết về phạm vi hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và vi phạm chính lĩnh vực hành nghề của mình theo Giấy phép được Sở Tư pháp cấp.
"Việc vi phạm hoạt động nghề nghiệp của Công ty Luật Baker & McKenzie Việt Nam là nguyên nhân chính làm cho bà Hà mất danh dự, nhân phẩm với toàn thể cán bộ, nhân viên Công ty Thiên Đỉnh, tập đoàn IQVIA, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của người phụ nữ đơn thân; mất việc làm...", đại diện của bà Hà nói.
Bị đơn: 'Nguyên đơn quy chụp, yêu cầu vô lý'
Trong khi đó, luật sư Bùi Quang Nghiêm (bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn) cho rằng yêu cầu của nguyên đơn là vô lý, không có chứng cứ chứng minh. Nguyên đơn bất nhất, liên tục thay đổi yêu cầu khởi kiện, lúc đầu là 18 triệu đồng, quá trình hòa giải là 3 tỷ đồng và tại tòa lại yêu cầu bồi thường.
"Bồi thường 0 đồng tức không có thiệt hại gì cả, và nguyên đơn không chứng minh được thiệt hại cũng như mối quan hệ nhân quả dẫn đến thiệt hại. Yêu cầu của nguyên đơn là không có căn cứ", luật sư Nghiêm nêu quan điểm và đề nghị tòa bác yêu cầu khởi kiện.
Đại diện cho bị đơn, luật sư Nguyễn Thị Minh Huyền cho rằng, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đã vi phạm quy định về thời hiệu khởi kiện, nên đề nghị tòa đình chỉ xét xử.
Cụ thể, theo các tài liệu và nội dung đơn khởi kiện, nguyên đơn cho rằng các nhân viên của Baker & McKenzie Việt Nam có hành vi vi phạm từ tháng 2/2020 đến 21/7/2020. Nhưng đến tháng 6/2024 bà Hà mới gửi đơn kiện ra tòa - trong khi thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 184 Bộ luật Tố tụng Dân sự là 3 năm.
Phía bị đơn cũng cho rằng nguyên đơn đã khởi kiện sai đối tượng, bởi các luật sư tham gia tố tụng trong vụ kiện của bà Hà với Công ty Thiên Đỉnh tại tòa là thuộc Công ty luật TNHH Quốc tế BMVN chứ không phải Baker & McKenzie Việt Nam. Điều này được ghi nhận tại hai bản án của TAND quận 10 và TAND TP HCM và nhiều tài liệu khác. Hai công ty này có pháp nhân độc lập, được Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp TP HCM cấp phép.
Baker & McKenzie Việt Nam không cử các luật sư tham gia tố tụng như quy kết của nguyên đơn. Trong danh sách các luật sư làm việc tại Baker & McKenzie Việt Nam không có các luật sư tham gia tố tụng trong vụ kiện lao động của bà Hà. Do đó, bị đơn không vi phạm quy định tại Điều 70 Luật Luật sư cũng như giấy phép hoạt động.
"Nguyên đơn cố ý lập luận rằng Baker & McKenzie Việt Nam là Công ty luật quốc tế BMVN là thể hiện sự quy chụp. Do nguyên đơn đã khởi kiện sai đối tượng nên đề nghị tòa bác toàn bộ yêu cầu", bà Huyền nêu ý kiến.
Dẫn chứng các tài liệu được trình chiếu tại tòa, bà Huyền khẳng định các nhân viên của Baker & McKenzie Việt Nam không tham gia vào việc thu giữ máy tính của bà Hà như nguyên đơn nói. Thực tế không có việc thu giữ máy tính mà là bàn giao máy tính công ty cấp cho bà Hà trong thời gian còn làm việc; người tiếp nhận máy tính là Trưởng phòng hành chính của Công ty Thiên Đỉnh.
"Xuyên suốt phiên tòa, nguyên đơn không chứng minh được bị đơn có hành vi gì xâm phạm đến uy tín của nguyên đơn, không có thiệt hại gì xảy ra cũng như mối quan hệ giữa hành vi sai phạm đến thiệt hại", bà Huyền nói.

Vụ kiện thu hút nhiều người quan tâm, tham dự phiên tòa. Ảnh: Bình Nguyên
Đối đáp căng thẳng
Trước quan điểm của bị đơn, phía nguyên đơn cho biết, quá trình tòa cho 2 bên hòa giải thì Baker & McKenzie Việt Nam đề xuất sẽ có thư xin lỗi bà Hà nhưng đề nghị nguyên đơn "phải rút yêu cầu khởi kiện và giữ im lặng về toàn bộ nội dung vụ kiện". Đó là lý do bà Hà đưa ra con số 3 tỷ đồng.
"Im lặng là quyền của bà Hà và bà có quyền từ chối. Tại tòa bà Hà mới thay đổi yêu cầu khởi kiện đòi 0 đồng, vì bà không cần tiền, chỉ yêu cầu về danh dự", đại diện uỷ quyền của nguyên đơn nêu quan điểm.
Phía nguyên đơn cũng phản đối quan điểm của bị đơn về thời hiệu khởi kiện, bởi bà Hà xác định thời hiệu được tính từ khi bản án có hiệu lực pháp luật của TAND TP HCM tuyên bà Hà thắng kiện, chứng minh việc Baker & McKenzie Việt Nam đã tư vấn sai dẫn đến thiệt hại mất việc làm, ảnh hưởng đến tinh thần, uy tín, sức khoẻ.
Nguyên đơn cũng cho rằng đã chứng minh mối liên hệ giữa Baker & McKenzie Việt Nam và Công ty luật quốc tế BMVN thông qua các vi bằng thể hiện trên trang web của bị đơn; có hình ảnh và giới thiệu của 6.500 luật sư, trong đó có hai luật sư đã tham gia tố tụng vụ tranh chấp lao động của bà Hà.
"Chúng tôi khẳng định rằng có đủ căn cứ chứng minh Baker & McKenzie Việt Nam và Công ty luật quốc tế BMVN là một", đại diện nguyên đơn bảo lưu quan điểm.
Đối đáp lại, phía bị đơn khẳng định nguyên đơn nói Baker & McKenzie Việt Nam tư vấn sai là ảnh hưởng đến uy tín của công ty, bởi thẩm quyền sa thải bà Hà là thuộc Công ty Thiên Đỉnh chứ không phải của bị đơn. Không có cơ sở pháp luật nào cho rằng bị đơn tư vấn pháp luật sai.
Phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKS cho rằng, việc nguyên đơn khởi kiện là không vi phạm về thời hiệu.
Tuy nhiên, VKS cho rằng khởi kiện của nguyên đơn là không có cơ sở chấp nhận do bị đơn đã thực hiện đúng các công việc được cho phép theo quy định của pháp luật. Các yêu cầu của nguyên đơn không phù hợp với quy định của pháp luật được quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự nên đề nghị HĐXX không chấp nhận.
Do tính chất phức tạp của vụ án, TAND quận 1 sẽ nghị án kéo dài và đưa ra phán quyết vào ngày 31/3.
Bình Nguyên