Thảo luận tại Quốc hội ngày 10/6, PGS Hoàng Văn Cường (Hiệu phó Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội) cho rằng các tuyến này không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, giảm áp lực về giao thông cho khu trung tâm mà còn kết nối các địa phương vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khi hai tuyến đường được xây dựng, chắc chắn vùng lân cận sẽ hình thành các trung tâm đô thị, trung tâm thương mại, trung tâm phân phối.
"Dư luận mới nghe là Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về hai tuyến vành đai, nhưng mấy tháng qua, giá đất ở khu vực này đã sôi động và tăng rất nhiều lần", ông Cường nói và cho rằng đây là nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển. Nếu không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này sẽ bị lãng phí, trong khi lợi ích có thể lại rơi vào cá nhân khác.
Vì vậy, ông Cường đề nghị cùng với quy hoạch chi tiết xây dựng hai tuyến vành đai cần đồng thời quy hoạch khu vực hai bên đường để hình thành các khu đô thị hiện đại, trung tâm thương mại, phân phối, trung chuyển hàng hóa. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ tổ chức đấu thầu các dự án cùng với đấu thầu làm đường. Bên cạnh hai đường song hành như đề án, cần có cả hệ thống đường kết nối trong khu vực.
Nếu như dự án BT trước đây là dạng đổi đất lấy hạ tầng thì đề xuất nói trên theo ông Cường là thực hiện cơ chế thị trường để đấu thầu các dự án và công trình xây dựng. Nếu làm được, các khu đô thị hiện đại sẽ được xây dựng, khai thác được nguồn lực, tránh phát triển tự phát tạo ra bất cập.
Ủng hộ đề xuất nói trên, đại biểu Lê Thanh Vân (Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách) nói đã đến lúc phải nhận thức về hiệu quả của đầu tư công không chỉ về giao thông mà đằng sau đó là địa tô chênh lệch do nhà nước tạo ra. Vấn đề này lâu nay không được đánh giá nên mất đi nguồn lực quan trọng là thu chênh lệch địa tô từ tác động kinh tế của dự án.
Ông Vân đề nghị Chính phủ vừa triển khai dự án, vừa xây dựng các dự án liên kết khai thác quỹ đất ở hành lang, đặc biệt là khu đô thị, khu công nghiệp, khu vực đất cho thuê để khai thác giá trị đất, thu về cho ngân sách, bù đắp chi phí làm đường. "Đầu tư công không có nghĩa là đầu tư miễn phí mà cần khai thác để thu về địa tô chênh lệch cho nhà nước", ông Vân nói và đề nghị Bộ trưởng Tài chính nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho rằng đề xuất cơ chế đặc thù khai thác quỹ đất của hai tuyến vành đai "là ý rất hay". Tuy nhiên, ông băn khoăn khi chưa đáp ứng được nguồn vốn cho dự án chính là Vành đai 3 và 4 mà muốn lấy thêm quỹ đất thì vốn để giải phóng mặt bằng lấy ở đâu? "Cần phải tính đến việc này trước khi tính đến chuyện đấu giá. Muốn đấu giá phải có mặt bằng sạch. Đây là vấn đề phải nghiên cứu để làm sao vừa khai thác quỹ đất, tạo nguồn vốn đầu tư hai tuyến vành đai", ông Sơn nói.
Phó ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cũng cho rằng "việc quản lý bán đấu giá quyền sử dụng đất, quản lý quy hoạch, xây dựng dọc hai tuyến vành đai phải làm hết sức chặt chẽ".
Luật sư Trương Trọng Nghĩa lại không đồng tình với đề xuất khai thác quỹ đất dọc hai tuyến vành đai. "Khai thác quỹ đất làm cho các tuyến cao tốc trở thành trung tốc, từ trung tốc xuống thành hạ tốc", ông Nghĩa nói và dẫn chứng bình thường cao tốc từ TP HCM lên Đà Lạt chỉ 4 tiếng thì bây giờ có khi đi 7 tiếng. Từ Sài Gòn lên Tây Nguyên trước đi 6 tiếng bây giờ phải mất 8 tiếng, "nguyên nhân chính là khai thác quỹ đất không đúng cách".
Theo ông, khai thác quỹ đất ở những khu mặt tiền dẫn đến phải mở những con đường cắm vào cao tốc, gây mất an toàn, ô nhiễm tiếng ồn. Nhiều nước phải xây các bức tường trên cao tốc để ngăn cách với khu dân cư. Kinh nghiệm là từ phía đường thoát cạnh cao tốc phải đi sâu vào trong mấy trăm mét mới có một khu siêu thị hay khu dân cư. Còn bên cạnh cao tốc chỉ cho phép trạm xăng, điểm dừng chân ăn uống nhẹ, không nên mở khu dân cư.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói rằng việc xây hai tuyến cao tốc không chỉ hình thành hành lang giao thông mà phải biến thành hành lang kinh tế. "Chúng ta phải quy hoạch, phát triển theo quy hoạch, thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên, do nhà nước tạo ra. Giá trị địa tô được chia làm ba, một phần của nhà nước, một phần của nhà đầu tư, một phần của người dân, đảm bảo hài hòa lợi ích", ông Dũng nói.