Tiếp thu những thành quả của đề án hậu cai nghiện ở TP HCM, dự luật sửa đổi một số điều của Luật phòng chống ma túy đã đưa ra 3 phương án về quản lý người sau cai để Quốc hội lựa chọn.
Thứ nhất, người nghiện sau sau thời gian cai bắt buộc trở về nơi cư trú được chính quyền cơ sở hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ phòng chống tái nghiện trong thời hạn 1-2 năm. Người không tái nghiện thì được xóa tên khỏi danh sách quản lý.
Phương án hai giống như trên, nhưng bổ sung trường hợp sau khi cai bắt buộc mà có nguy cơ tái nghiện cao thì tiếp tục được đưa vào cơ sở quản lý sau cai từ 1 đến 2 năm.
Phương án ba là trước khi kết thúc thời hạn cai bắt buộc (1-2 năm), nếu xét thấy cần kéo dài thời gian cai thì cơ sở cai nghiện báo cáo Chủ tịch UBND quận, huyện phê chuẩn kéo dài thời gian cai nghiện bắt buộc tối đa là 1 năm.
![]() |
Đại biểu Giàng A Chu: "Quản lý sau cai ở cơ sở rất ít hiệu quả". Ảnh: TTXVN. |
Đa số đại biểu đồng tình với phương án hai. Ông Giàng A Chu lý giải: "Chính quyền cơ sở như cái túi đựng trăm thứ việc. Nếu theo phương án một giao tất cả cho chính quyền cơ sở hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ phòng chống tái nghiện thì sẽ không kham nổi, hiệu quả cai nghiện rất thấp".
Ông Huỳnh Thành Lập khẳng định tăng thời gian quản lý sau cai bắt buộc sẽ tăng hiệu quả cai nghiện. Ông Lập dẫn ra thực tế TP HCM năm 2002 tỷ lệ tái nghiện của thành phố lên tới 90%, nhưng sau khi thực hiện quản lý sau cai (thời gian tối đa 3 năm) thì tỷ lệ tái nghiện giảm hẳn.
Đại biểu Trần Đông A khẩn thiết đề nghị Quốc hội luật hóa quan điểm cai nghiện hai giai đoạn (cai bắt buộc và quản lý sau cai) như TP HCM đã làm thành công. "Tôi ủng hộ phương án hai và quy định chặt chẽ người có nguy cơ tái nghiện cao là người tiêm chích ma túy", ông A nói.
Người nghiện là bệnh nhân hay tội phạm?
Câu hỏi này từng làm nóng phiên họp thứ 7 của Thường vụ và hôm nay lại được đại biểu Quốc hội đặt ra. Đại biểu Nguyễn Thị Vân đặt vấn đề: "Chúng ta cần xác định nghiện ma túy là bệnh, nhà nước có trách nhiệm tổ chức chữa bệnh. Điều này cũng thể hiện ý nghĩa nhân văn của chế độ ta".
Với tư cách bác sĩ, ông Trần Đông A đã giải thích rất cặn kẽ về cơ chế gây nghiện, tái nghiện, cuối cùng kết luận: "Nghiện là bệnh mãn tính do đó cần thiết chữa trị và sau đó là phục hồi chức năng giúp họ quên đi ma túy".
Thẳng thắn hơn, ông Vi Trọng Lễ đề nghị bỏ điều 199 trong Bộ luật hình sự quy định người tái sử dụng chất ma túy là tội phạm, bị phạt tù. "Quy định này đã đẩy nhiều gia đình vào thế nói dối, che giấu, không muốn đưa người nghiện đi cai", ông Lễ phân tích.
Không đồng tình với những lập luập trên, đại biểu Trần Bá Thiều lên tiếng: "Điều 199 Bộ Luật hình sự rất có tác dụng phòng ngừa người sử dụng ma túy. Nếu bỏ phải có lộ trình, còn muốn bỏ ngay trong tình hình hiện nay tôi cam đoan rằng sẽ rất nguy hại cho xã hội".
Ông Thiều dẫn chứng Malaysia vẫn phạt tù 3-5 năm người sử dụng trái phép ma túy, Pháp phạt tiền và phạt tù 1 năm. Trung Quốc phạt 2.000 nhân dân tệ và tạm giam 15 ngày.
Sau khi phân tích bệnh là do khách quan hay vô ý mang lại, còn nghiện là đã biết trước tác hại mà vẫn cố tình sử dụng, đại biểu Nguyễn Văn Toàn nói: "Nếu thừa nhận nghiện là bệnh thì sẽ không thể kiểm soát". Ông Toàn đề nghị giữ quy định như hiện nay, nghiện là tệ nạn xã hội, giống như cờ bạc, mại dâm.
Ông Toàn dẫn chứng, mặc dù Chính phủ đã có những biện pháp rất quyết liệt, nhưng các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống ma túy đều bị phá sản. Số người nghiện có hồ sơ quản lý đã tăng từ 110.000 năm 2001 lên 180.000 người.
"Nếu xem nghiện là bệnh thì phải mở bệnh viện, phải cho phép bán thuốc chữa trị, rất khó khả thi. Nếu coi là tệ nạn xã hội thì còn có các biện pháp hành chính, hình sự để xử lý", ông Toàn nói.
Dự luật sửa đổi một số điều của Luật phòng chống ma túy sẽ được hoàn thiện và thông qua vào cuối kỳ họp này.
Hồng Khánh