Thứ tư, 4/12/2024
Thứ năm, 10/10/2024, 10:41 (GMT+7)

Tranh khắc họa Hà Nội 'một thời đạn bom, một thời hòa bình'

Thủ đô từ năm 1945 đến sau ngày tiếp quản được thể hiện qua bộ tranh ở triển lãm "Hà Nội - Sức sống và Niềm tin".

Tranh sơn dầu Đánh chiếm Bắc Bộ phủ của họa sĩ Trần Đình Thọ (1919-2011) tái hiện cuộc Tổng khởi nghĩa ngày 19/8/1945, các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ phủ (còn có tên khác là phủ Khâm sai, nay là Nhà khách Chính phủ).

Chọn lọc từ Bộ sưu tập Mỹ thuật hiện đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm giới thiệu 70 sáng tác hội họa, đồ họa, điêu khắc của những nghệ sĩ gạo cội như: Bùi Xuân Phái, Lê Anh Vân, Nguyễn Quang Phòng với chất liệu đa dạng, ngôn ngữ tạo hình mang phong cách, dấu ấn riêng.

Sự kiện do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Bức Hà Đông tiêu thổ của họa sĩ Lê Quốc Lộc (1918-1987) cho thấy thành phố thời kỳ đầu kháng chiến. Để đối phó với kẻ địch vượt trội về lực lượng, vũ khí, trang bị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi thực hiện "tiêu thổ kháng chiến". Người dân tự đục thông nhà cửa, cầu đường, công trình, cơ sở vật chất để ngăn chặn bước tiến của quân địch và không cho lợi dụng làm đồn, bốt.

Hình ảnh quân, dân dựng bàn ghế, bao cát, giường ngủ, đồ đạc nhằm ngăn chặn địch năm 1946 được gợi lại trong Chiến lũy - tranh sơn mài vẽ năm 1985 của tác giả Lê Anh Vân. Giới thiệu về bức họa, Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - nói: "Thời bấy giờ ở Hà Nội, mỗi một phố phường trở thành một chiến lũy trong cuộc chiến bảo vệ mảnh đất này".

Tác phẩm khắc gỗ Giải phóng Thủ đô của tác giả Đinh Viết Lực đặt bối cảnh vào năm 1954, sau chín năm kháng chiến, trong không khí rực rỡ cờ hoa, người dân ùa ra đường đón chào đoàn quân tiến về tiếp quản thành phố.

Tranh Vui đón hòa bình của tác giả Nguyễn Sáng (1923-1988) ghi lại khoảnh khắc mừng ngày lập lại hòa bình ở thủ đô. Họa sĩ Nguyễn Sáng thuộc bộ tứ quan trọng của Mỹ thuật Việt Nam hiện đại Nghiêm - Liên - Sáng - Phái, ông gắn bó cuộc đời với Hà Nội và chú tâm vào việc sáng tác hội họa.

Triển lãm trưng bày các tác phẩm hội họa về một thành phố vững vàng qua những năm tháng chiến tranh, vươn mình ngày càng tươi đẹp. Tranh Định Công (Thuyền lúa) của tác giả Phạm Thanh Liêm là toàn cảnh cuộc sống lao động của người dân sau ngày giải phóng. Bức họa được sáng tạo bằng kỹ thuật điêu khắc gỗ. Nói về loại hình nghệ thuật này, họa sĩ cho biết: "Tranh vẽ đã khó, in, khắc để vẽ được còn khó hơn. Phải chọn được gỗ thị hoặc gỗ mực, loại mềm để khắc. Người vẽ phải mất rất nhiều công, nhưng cái gì cũng phải góp công sức thì mới quý".

Cảnh người dân tham gia lao động sản xuất tập thể trong Công nhân gốm Bát Tràng của họa sĩ Hoàng Văn Thư.

Sự kiện còn giới thiệu các bức họa về Hồ Chủ tịch với người dân. Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, tranh Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng của họa sĩ Đỗ Hữu Huề dựa trên câu chuyện có thật về một lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và động viên các cháu thiếu nhi tại một lớp học ở phố Hàng Than năm 1958.

Các tác phẩm được trưng bày theo những dấu mốc lịch sử của thành phố.

Ngoài trưng bày tác phẩm mỹ thuật, triển lãm kết hợp công nghệ trình chiếu những bức tranh về Hà Nội và không gian trải nghiệm cho khách tham quan.

Du khách trải nghiệm in tranh khắc gỗ.

Triển lãm mở cửa từ ngày 8 đến 22/10 tại tầng một nhà B, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Châu Anh