Thứ bảy, 23/11/2024
Thứ tư, 16/8/2023, 05:00 (GMT+7)

Tranh hiếm về cảnh sắc, con người Việt 100 năm trước

Tranh vẽ kênh Tàu Hũ, chùa Láng, Hoàng thành Huế của các giáo sư mỹ thuật Pháp đầu thế kỷ 20 lần đầu được triển lãm trong nước.

Bức "Ngược dòng kênh Tàu Hũ từ cầu Malabars, Chợ Lớn" do họa sĩ Adolf Obst (1869-1945) hoàn thành vào đầu thế kỷ 20. Ông tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Hoàng Gia Đức, du hành đến Đông Nam Á theo diện học bổng của Bộ Văn hóa Đức.

Tác phẩm là một trong 56 bức tranh được trưng bày trong "Mộng Viễn Đông", Sotheby's - sàn đấu giá tranh và đồ cổ hàng đầu thế giới - tổ chức triển lãm tại TP HCM từ ngày 14 đến 17/8. Sự kiện lần đầu tái hiện một giai đoạn lịch sử hội họa Việt, khi các họa sĩ danh tiếng của châu Âu đến Việt Nam cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, đặt nền móng cho mỹ thuật Đông Dương sau đó.

"Một góc phố Hà Nội" - chất liệu sơn dầu trên ván, vẽ năm 1921 - là tác phẩm của Victor Tardieu (1870-1937). Ông từng đến Việt Nam sinh sống năm 1920, cùng họa sĩ Nguyễn Nam Sơn đồng sáng lập ra trường Mỹ thuật Đông Dương - cái nôi đào tạo nên nhiều danh họa như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Gia Trí. Ông qua đời năm 1937 tại Hà Nội khi còn đương nhiệm.

Bức "Rặng Ba Vì nhìn từ ruộng Sơn Tây" (khoảng năm 1932-1938, chất liệu sơn dầu trên toan) là tác phẩm của Joseph Inguimberty (1896-1971), một giáo sư trường Mỹ thuật Đông Dương. So với Victor Tardieu, lối giảng dạy của ông ít hàn lâm hơn. Ông chịu ảnh hưởng từ trường phái Ấn Tượng, thường tổ chức các buổi dã ngoại dạy sinh viên cách vẽ trực họa. Tranh ông khi ấy thường có màu xanh lục - gam màu đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ.

Cảnh sắc, con người Sapa qua nét cọ của Joseph Inguimbery, hoàn thành năm 1942.

Tranh sơn dầu "Phong cảnh Việt Nam" (vẽ năm 1932-1933) là tác phẩm của Évariste Jonchère (1892-1956). Ông đến Việt Nam năm 1932 theo chương trình của giải thưởng Đông Dương, kế nhiệm chức hiệu trưởng trường Mỹ thuật sau khi Victor Tardieu qua đời năm 1936.

"Phong cách đồng ruộng" - tranh sơn dầu trên toan của Maurice Ménardeau (1897-1977), "họa sĩ hải quân" công du đến Đông Dương thập niên 1930. "Họa sĩ hải quân" là danh hiệu cao quý chính phủ Pháp đương thời dành cho các tài năng hội họa xuất sắc.

Bức "Chùa Láng, Hà Nội", chất liệu sơn dầu trên toan, do họa sĩ Jean Jacques Rousseau (1861-1911) vẽ năm 1902-1904. Ông nhận huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh năm 1903, là Phó chủ tịch Hiệp hội họa sĩ thuộc địa Pháp.

"Vịnh Hạ Long" (vẽ năm 1888-1889) của danh họa Louis-Jules Dumoulin (1860-1924). Ông từng được phong làm "họa sĩ hải quân", sau đó nhận huân chương Đại Nam Long Tinh, Bắc Đẩu Bội Tinh vì cống hiến trong hội họa. Ông từng khởi xướng giải Đông Dương năm 1910, bảo trợ cho các họa sĩ châu Âu đến đây, góp phần tạo nên phong trào Đông Dương du họa.

Bức "Trước miếu, Hoàng thành Huế", chất liệu sơn dầu trên giấy, được Géo Michel (1883-1985) vẽ những năm 1930.

Đời sống người Việt đầu thế kỷ 20 cũng là nguồn cảm hứng của các giáo sư mỹ thuật Pháp, như bức "Xưởng sơn mài ở Hà Nội", do Charles Fouqueray (1869-1956) vẽ năm 1921.

Bức "Thuyền ở bến Sài Gòn" được vẽ bằng màu nước trên lụa năm 1938, do Léo Craste (1887-1970) thực hiện. Họa sĩ đóng dấu triện ba chữ Hán Việt "Lê Ông Bút", tức "được vẽ bởi Léo".

Bức "Hai thiếu nữ An Nam", vẽ bằng mực và màu nước trên lụa của họa sĩ Alix Aymé (1894-1989).

Mai Nhật
Ảnh: Sotheby's