Con số này được ấn định trong phiên Classic Sale của Drouot hôm 1/7 (theo giờ Pháp), cao gần gấp đôi dự kiến của nhà đấu giá. Tác phẩm mực và màu nước trên lụa, khắc họa hình ảnh người mẹ tóc đen dài, nằm ôm con trên võng. Góc phải trên cùng có ký tên, đóng dấu và ghi "Hanoi 1932". Đính kèm là một bản phác thảo bằng bút chì trên giấy cùng khổ.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho biết một nhà sưu tập trong nước định mua tác phẩm nên nhờ ông tư vấn. Theo quan sát và nghiên cứu các tư liệu, ông nhận định đây là bức tranh chép lại từ tác phẩm Nắng hè của Lê Văn Đệ. "Nét mặt bà mẹ rất vụng về, màu sắc gương mặt nhân vật, mắt và mày quá đậm. Chữ ký và dấu triện cẩu thả không thể chấp nhận được, nhìn là phát hiện ra ngay", ông nói.
Ngoài ra, tranh đề Hà Nội 1932 nhưng thời điểm đó, họa sĩ Lê Văn Đệ đang theo học Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Pháp ở Paris. Chất liệu lụa mỏng, màu sắc tranh khá mới.
Bức Mẹ con từng được bán với giá 67.000 euro (1,6 tỷ đồng) năm 2016. Ông Khôi cho rằng nhiều khả năng có thể là lần trước nhà sưu tập bị mua hớ nên lần này mang ra bán với mục đích "được đồng nào hay đồng đó". Ông nói: "Tôi từng thấy nhiều phiên bản chép lại bức này của ông Lê Văn Đệ. Nhà đấu giá có chuyên gia thẩm định nhưng vẫn mang tác phẩm ra bán, trong khi nhà sưu tập không tìm hiểu kỹ nên mua với giá cao. Bức vẽ méo mó này sẽ khiến nhiều người e dè tranh Lê Văn Đệ. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường hội họa Việt Nam".
Kiến trúc sư Đặng Phan Lạc Việt cho biết gia đình anh có lưu lại một bản in trước năm 1975 hình ảnh Nắng hè bản gốc. Cha anh - họa sĩ Đặng Ngọc Trân - từng là học trò của ông Lê Văn Đệ ở Trường Mỹ thuật Gia Định. Một lần, danh họa mượn tranh từ nhà sưu tập cho sinh viên chiêm ngưỡng, trong đó có Đặng Ngọc Trân. "Ba tôi nói ông chừa màu trắng rất khéo và sắc vàng nâu của tranh rất đặc biệt. Tranh toát lên vẻ thanh thoát, quý phái rất riêng", anh nói.
Lê Văn Đệ (1906-1966) xuất thân trong gia đình địa chủ ở Mỏ Cày, Bến Tre. Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp Trung học Lasan Tabert (Sài Gòn), Lê Văn Đệ quyết tâm thi vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, bất chấp sự phản đối của gia đình. Năm 1925, ông là một trong 10 sinh viên khóa đầu tiên của trường. Hiệu trưởng Victor Tardieu từng nhận xét: "Thủ khoa Lê Văn Đệ là chàng trai nghiêm túc, giỏi tiếng Pháp, được các bạn học bầu làm lớp trưởng mấy năm liền". Năm 1930, ông tốt nghiệp thủ khoa.
Năm 1931, ông sang Pháp du học tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Pháp, chuyên ngành tranh sơn dầu. Năm 1933, ông đoạt giải nhì cuộc thi do Hội Nghệ sĩ Quốc gia Pháp tổ chức với ba tác phẩm Bà thầy bói, Trên sân ga Montparnasse, Thiếu nữ điểm trang. Tại triển lãm Nghệ sĩ quốc gia Pháp năm 1934, Bộ Văn hóa Pháp đã chọn mua bức Trong gia đình của ông để trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Luxembourg.
Ông là giám đốc đầu tiên của Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (nay là Đại học Mỹ thuật TP HCM). Họa sĩ chịu trách nhiệm trang trí cho lễ Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.
Hiểu Nhân