Nghĩ lại Tết năm ngoái, chị Thùy ở Cầu Giấy, Hà Nội, vẫn thấy mệt vì con gái quấy khóc suốt 3 ngày liền. Khi đó, bé Moon mới được 14 tháng tuổi. Cha mẹ thay nhau bế ẵm, dỗ dành, bé vẫn không chịu nín.
Chị cho ăn gì, Moon cũng mím chặt môi, cố đút được vài thìa cháo vào thì nôn trớ sạch. Ngày mùng 5 Tết, vợ chồng chị vội đưa con đi khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị rối loạn tiêu hóa. "Mới ốm vài ngày bé đã sụt cả kg, chăm mãi mới lên được vài lạng, nhìn con mà thắt lòng, cả nhà xem như mất Tết", chị Thùy tâm sự.
Con chị Tú Anh, nhân viên của một công ty truyền thông, đã đến tuổi đi học cấp một cũng từng mất Tết vì bị chướng hơi, đầy bụng. Chị kể, kỳ nghỉ năm ngoái, khác với mọi khi hào hứng đi chơi, từ hôm mùng 3 ở quê ra, cháu mệt mỏi, lúc nào cũng kêu căng tức ở bụng. Gọi điện hỏi bác sĩ quen của gia đình, chị mới biết đó là những triệu chứng của bệnh khó tiêu, đầy hơi. Có thể trong những ngày ở quê, bé uống nhiều nước có ga, ăn nhiều bánh chưng, bánh kẹo nên bị như vậy.
![be-1-jpg-1359626592-1359628270_500x0.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2013/01/31/be-1-jpg-1359626592-1359628270.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UcEROP2iNRNOI4729s1zaQ)
Theo hướng dẫn của bác sĩ, chị Tú Anh vuốt dọc sống lưng và xoay tròn bụng cho con, nấu nhiều món rau dỗ bé ăn thì tình hình cải thiện hơn. Tuy không quá nguy hiểm nhưng chuyện này vẫn khiến chị Tú Anh sợ, lo chuẩn bị trước để Tết năm nay không gặp lại tình cảnh như vậy.
Thực tế, rối loạn tiêu hóa là bệnh thường gặp ở không ít trẻ nhỏ trong những ngày Tết do chế độ ăn của bé phần nào bị thay đổi. Bé không được cho ăn đúng bữa, lượng nước thiếu hụt. Trẻ uống nước ngọt, ăn bánh mứt kẹo, thực phẩm nhiều đạm, dầu mỡ hơn ngày thường... Trong khi đó, hệ tiêu hóa của các bé còn rất non nớt nên dễ bị chướng bụng, đầy hơi.
Một số triệu chứng thường gặp khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa là đau bụng không liên tục, chán ăn, bé luôn có cảm giác no dù ăn ít, bụng căng hơn bình thường, khi gõ vào thì có tiếng vang hoặc ợ hơi, nôn trớ, tiêu chảy (đi ngoài phân lỏng từ 3 lần trở lên mỗi ngày). Những trẻ lớn có thể miêu tả cho bố mẹ cảm giác khó chịu để phát hiện bệnh sớm, trẻ sơ sinh thường chỉ phản ứng bằng việc quấy khóc, biếng ăn.
Trong những trường hợp như vậy, cha mẹ nên xoa bụng cho bé, chườm nước ấm, không nên bắt trẻ dung nạp nhiều thức ăn, tăng cường chất xơ và có thể bổ sung thêm men vi sinh để cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột cho trẻ. Nếu tình trạng vẫn không cải thiện, gia đình cần đưa bé đi khám.
![be-2-jpg-1359627325-1359628270_500x0.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2013/01/31/be-2-jpg-1359627325-1359628270.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GtO5yvehQ47jnoz4HL3v8Q)
Chướng hơi, đầy bụng không phải là bệnh quá nguy hiểm nhưng nó sẽ khiến bé mệt mỏi, sụt cân. Điều này xảy ra trong những ngày Tết còn khiến cả gia đình mất vui, không khí đón năm mới cũng không còn hào hứng. Trong khi đó, việc phòng rối loạn tiêu hóa cho trẻ không khó nên cha mẹ nên phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Theo một chuyên gia dinh dưỡng, trước khi nghỉ lễ, cha mẹ nên dự trữ lượng lớn rau xanh, trái cây, rau củ quả để chế biến món ăn cho bé, nên duy trì chế độ dinh dưỡng, giờ ăn của trẻ gần với ngày thường. Thức ăn cần nấu đơn giản nhưng phải đổi món thường xuyên để trẻ dễ hấp thụ.
Chuyên gia này khuyến cáo, cha mẹ nên hạn chế cho bé sử dụng thức uống có ga và đồ ngọt, thay vào đó nên uống nước hoa quả xay, ép, ăn thêm sữa chua, đặc biệt là các loại chứa nhiều lợi khuẩn như Vinamilk Probi. Những lợi khuẩn đó sẽ giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tránh hiện tượng chướng bụng, đầy hơi. Đặc biệt, người lớn cũng không nên lạm dụng những món ăn đặc trưng của ngày Tết như bánh chưng, bánh tét, xôi... để làm bữa ăn chính cho trẻ, dụng nạp thực phẩm nhiều đạm, dầu mỡ sẽ khiến hệ tiêu hóa của bé khó tiêu.
Xuân Ngọc