Theo Reuters, hai phụ nữ từ nhóm Ultima Generazione (Thế hệ cuối cùng) đã cầm lon súp đậu ném thẳng lên bề mặt tranh trước sự chứng kiến của rất đông du khách. Họ sau đó cùng một người nữa bôi keo vào tay và đặt lên khu vực bên dưới tác phẩm.
Họ gọi hành động là một tiếng kêu tuyệt vọng và có cơ sở khoa học, không thể đánh đồng với hành động phá hoại đơn thuần. "Các hành động tấn công còn tiếp tục khi người dân không nhận được câu trả lời từ chính phủ về yêu cầu ngừng khí đốt, than đá và đầu tư vào năng lượng tái tạo", một người nói.
Tranh được bảo quản sau lớp kính, không bị hư hại. Các nhà hoạt động xã hội đã bị bắt để phục vụ điều tra.
The Sower (Người gieo hạt) được trưng bày tại Palazzo Bonaparte, là một phần của cuộc triển lãm 50 tác phẩm của danh họa Hà Lan Van Gogh được Bảo tàng Kroller Muller ở Otterlo, Hà Lan cho mượn. Tác phẩm ra đời năm 1888, mô tả cảnh nông dân đang gieo hạt giống dưới ánh nắng chói chang.
Trên Tf1info, bộ trưởng Văn hóa Italy Gennaro Sangiuliano khẳng định hành động tấn công tác phẩm nghệ thuật cần phải bị lên án mạnh mẽ. "Văn hóa là nền tảng bản sắc của chúng ta, phải được bảo vệ và chắc chắn không phải được sử dụng như một cái loa cho các hình thức phản đối khác", ông nói.
Trước The Sower, hồi tháng 10, bức Hoa hướng dương của Van Gogh tại Phòng trưng bày Quốc gia ở London, cũng bị nhóm Just Stop Oil ném súp cà chua. Ngoài ra, nhiều kiệt tác nghệ thuật bị tấn công như Mona Lisa của Leonardo da Vinci ở Louvre ở Paris bị tạt kem, Cô gái đeo bông tai ngọc trai tại bảo tàng Mauritshuis của The Hague bị người đàn ông bôi keo và dán đầu lên đó... Tất cả tranh được bảo quản bằng kính, không bị hư hại.
Vincent Van Gogh (1853 - 1890) là một trong những nghệ sĩ Hà Lan nổi tiếng nhất mọi thời đại. Cuộc đời sáng tác của ông chỉ kéo dài 10 năm, từ năm 1880 đến khi ông qua đời vào năm 1890. Với niềm đam mê hội họa to lớn, Van Gogh để lại khoảng 850 tác phẩm tranh vẽ màu và hơn 1.300 bức vẽ hình họa còn được lưu giữ; chưa kể một lượng lớn tranh màu nước, tranh in thạch bản và phác thảo trong các lá thư.
Hiểu Nhân