Cách đây bảy tháng, HLV Rudi Garcia của AS Roma từng bị truất quyền chỉ đạo vì hành vi "chơi violin tưởng tượng", sau khi trọng tài Gianluca Rocchi thổi hai quả phạt đền cho đối thủ Juventus. Hành động ấy mang ý nghĩa: "Lại những giai điệu cũ" - thành ngữ quen thuộc của văn hóa Italy nhằm ám chỉ kết quả lặp đi lặp lại, có dàn xếp từ trước.
Hành động của Garcia có sức gợi mở thú vị, nhất là khi sử dụng nó để nhìn nhận và đánh giá về cuộc bầu cử Chủ tịch FIFA. Giờ đây, khi cuộc bầu cử ấy sắp đi đến hồi kết (diễn ra vào 29/5), người yêu bóng đá có quyền đặt ra một câu hỏi: Phải chăng Sepp Blatter và vây cánh của ông đang tiếp tục chơi một bản violin nhàm chán?
Nếu Blatter tái đắc cử, đây sẽ là nhiệm kỳ thứ năm của ông trong cương vị Chủ tịch FIFA, kéo dài ít nhất là cho đến khi ông bước vào tuổi 83. Thế giới bóng đá sẽ thay đổi thế nào khi tiếp tục được lèo lái bởi một ông lão càng ngày càng tỏ ra "quá quắt" như vậy?
Điều ấy dường như chẳng còn quan trọng. Đa số trong 209 thành viên FIFA ủng hộ Blatter tranh cử Chủ tịch lần nữa. Đề nghị giới hạn tuổi đối với Chủ tịch FIFA cũng bị phủ quyết. Đề nghị giới hạn số nhiệm kỳ của người đứng đầu FIFA cũng bị gạt sang một bên. Chỉ có duy nhất một trong sáu Liên đoàn châu lục thành viên của FIFA không vỗ tay ầm ầm trước những kết quả có lợi cho Blatter. Đấy chính là Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA). Họ cực kỳ muốn hạ bệ Chủ tịch FIFA, nhưng mọi nỗ lực đều bất thành. Chủ tịch Michael Platini - người duy nhất có thể làm đối thủ của Blatter, quá hiểu những nguy hiểm rình rập có thể đổ ập xuống chiếc ghế của ông bất cứ lúc nào. Bởi vậy, ông quyết định không tham gia tranh cử.
Ngoài các nỗ lực của tập thể nhằm hạ bệ Blatter, còn có cả những cá nhân nữa. Hồi đầu năm nay, Luis Figo - huyền thoại của bóng đá Bồ Đào Nha, thông báo quyết định ra tranh cử Chủ tịch FIFA. Anh tự lấy điểm cho bản thân bằng những phát ngôn nhắm đến các quan chức chóp bu của FIFA, mà người đứng đầu là Blatter: "Ấn tượng của tôi với FIFA không chỉ hiện tại mà trong suốt nhiều năm nay không thực sự tốt. Cái tên FIFA gắn liền với scandal và tệ nạn. Tổ chức bóng đá lớn nhất thế giới cần phải cải thiện về mặt hình ảnh. Tôi đã nói chuyện với nhiều quan chức đến từ các quốc gia khác nhau, và họ đều đồng tình với tôi rằng, cần phải có một sự thay đổi lớn lao. Một sự thay đổi ở thượng tầng, minh bạch hơn, đoàn kết hơn".
Hùng hồn là thế, nhưng mới đây Luis Figo đành ngậm ngùi rời bỏ cuộc chạy đua đến chiếc ghế nóng ở FIFA. Ông gọi cuộc bầu cử ấy là "không bình thường", là "một màn kịch được dựng lên để củng cố quyền lực tuyệt đối cho Sepp Blatter". Đồng thời, Figo còn cáo buộc chủ tịch của các Liên đoàn thành viên là "đạo đức giả, bị bịt miệng bởi đồng tiền". Những phát ngôn ấy khá gay gắt, nhưng không phải không có lý.
Ngoài Figo, một ứng cử viên khác là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Hà Lan - ông Michael van Praag - cũng đã thoái lui để gia nhập lực lượng của ứng cử viên còn lại là hoàng tử Ali Bin al-Hussein. Họ có vẻ như đã biết rút lui đúng lúc, nếu so với bài học nhãn tiền từ cựu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Á Mohamed Bin Hammam - người bị cấm vĩnh viễn tất cả các hoạt động bóng đá vì dám đấu với Blatter.
Dã tràng xe cát
Mọi sự nỗ lực đều là vô ích. Hoàng tử Ali Bin al-Hussein, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Hà Lan Michael van Praag hay huyền thoại Luis Figo thực chất chỉ tham gia tranh cử để… góp vui. Tên tuổi của Michael van Praag chưa vượt ra khỏi biên giới Hà Lan, trong khi vị Hoàng tử Jordan thậm chí còn là nhân vật mà Sepp Blatter dựng lên để ngồi vào chiếc ghế phó Chủ tịch FIFA. Chỉ có Figo là được biết đến trên toàn thế giới, nhưng ngoài đá bóng hay, ông chẳng có vị thế chính trị gì trong tay.
Không có gì lạ khi cựu chủ tịch Liên đoàn bóng đá Anh Lord Triesman gọi FIFA là "một ổ tham nhũng, hối lộ, là một gia đình mafia". Từ cuối thế kỷ trước, chính xác là năm 1998, giới lãnh đạo bóng đá châu Âu hả hê chuẩn bị tiễn Joao Havelange ra khỏi ghế Chủ tịch FIFA, mở đường cho Chủ tịch UEFA Lennart Johansson ngồi vào ghế lãnh đạo tối cao của bóng đá thế giới. Thế nhưng, vì quá ngây thơ khi ăn mừng chiến thắng ở phút 90, vì lỡ hứa hẹn sẽ phanh phui những chuyện chia chác mờ ám như một cách cải tổ FIFA, UEFA đã thất bại theo cách không thể nghiệt ngã hơn.
Havelange đi khắp thế giới để vận động cho cánh tay phải Sepp Blatter. Ông ta đã thành công trong việc bảo vệ cả một hệ thống, cũng là bảo vệ chính bản thân. Blatter đã vượt qua bao sóng gió để giữ chức Chủ tịch FIFA cho đến tận ngày hôm nay. Giờ thì chẳng còn sóng gió nào trong nội bộ FIFA nữa và rất khó có chuyện Blatter mất ghế.
Havelange phải tìm mọi cách giao quyền cho Blatter để bảo vệ những bí mật sổ sách động trời của FIFA. Phải như vậy thì cỗ máy in tiền FIFA mới không bị thay đổi phương thức hoạt động và tiền lãi của FIFA mới được chia một cách đều đặn, khoảng một triệu đôla mỗi năm cho các Liên đoàn thành viên. Ở FIFA, nơi mà một lá phiếu của quần đảo Cook (dân số khoảng 15.000 người) cũng có giá trị tương đương với lá phiếu của bất kỳ quốc gia nào, họ sẽ không bao giờ chấp nhận bị cắt viện trợ. Và trên thực tế, thật khó tin rằng các khoản “quà biếu” cho những phiếu bầu Chủ tịch FIFA lại chỉ gồm những khoản viện trợ công khai. (Điều này thì cả thế giới đều đã biết, sau khi Bin Hammam, cùng cựu chủ tịch FIFA Jack Warner, bị cáo buộc đã "đút tiền" cho 4 Liên đoàn thuộc Liên đoàn bóng đá Caribbe (CFU) trong một cuộc họp để đổi lấy phiếu bầu trong cuộc chạy đua với Blatter nhiệm kỳ trước).
Đấy là lí do vì sao mà những cuộc bầu cử từ thời Chủ tịch Havelange luôn là một giai điệu thân quen. Không bao giờ có bất ngờ, bởi vì những người trong cuộc không hề muốn bất ngờ. UEFA là lực lượng tiên phong trong công cuộc “chống Blatter”, luôn luôn muốn lật đổ “ách thống trị” của vị chủ tịch 79 tuổi, đưa ra ánh sáng những gì mà Blatter và “người thầy” của ông đã làm. Đấy thực sự là một cuộc chiến quyền lực, và UEFA vẫn thất bại cho đến tận bây giờ. Chủ tịch Michael Platini đành phải chờ đến khi Blatter 83 tuổi, nhưng khi ấy Chủ tịch người Thụy Sỹ chọn ai để trao lại quyền trượng thì đấy lại là một chuyện khác.
Và từ giờ cho đến khi đó, những cá nhân như Figo rút cuộc cũng chỉ là một gam màu tô điểm cho bức tranh bầu cử của FIFA thêm phần sinh động.
Anh Dũng