Theo Inquirer, Tổng thống Philippines Benigno Aquino dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 dài hai ngày kể từ ngày mai, với sự tham dự của nguyên thủ và ngoại trưởng các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho hay Tổng thống Benigno Aquino sẽ nêu ra vấn đề tranh chấp chủ quyền biển với Trung Quốc ra hội nghị và dự định hối thúc các bên tăng tốc tiến trình đàm phán bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tờ Bangkok Post và Kyodo dẫn lời các quan chức ngoại giao cấp cao không nêu tên cho hay vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ được đưa ra tại hội nghị. Các quan chức này dẫn những sự kiện mới đây, gồm việc Trung Quốc định vị giàn khoan trên thềm lục địa Việt Nam; hiện diện quân sự ngày càng gia tăng ở Bãi Cỏ Mây thuộc Trường Sa; tăng cường đánh bắt trái phép trên các vùng biển có chủ quyền... chứng minh sự vi phạm thỏa thuận giữ nguyên hiện trạng.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cũng dự kiến thảo luận về quá trình vận động pháp lý của nước này trong việc giải quyết tranh chấp trên biển với Trung Quốc. Tháng trước, Manila đã trình lên tòa án quốc tế một tài liệu gần 4.000 trang, trong đó trình bày chi tiết các lập luận và bằng chứng pháp lý của Manila cho thấy tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông là phi pháp và vô giá trị.
Các nước thành viên ASEAN đang trong quá trình đàm phán để xây dựng một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc (COC) nhằm giải quyết những tranh chấp hàng hải với Trung Quốc. Hiện có bốn quốc gia ASEAN tồn tại tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông, là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Theo Bangkok Post, các nhà lãnh đạo ASEAN dự kiến bày tỏ mối quan ngại trước những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông gần đây trong cuộc họp diễn ra vào ngày 11/5, tuy nhiên, chưa rõ liệu có vụ việc cụ thể nào được đề cập trong thông cáo do Myanmar đưa ra với tư cách chủ tịch ASEAN năm nay hay không.
"Chúng tôi vẫn đang tham vấn", một nhà ngoại giao cho biết.
Theo nhận định của các chuyên gia, ASEAN khó có khả năng ra một tuyên bố chung để lên án những hành vi gần đây của Bắc Kinh và cơ hội xảy ra đột phá về COC là rất nhỏ. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục những gì họ từng làm trong các hội nghị trước đó là nhấn mạnh luật quốc tế, khuyến khích kiềm chế và kêu gọi đàm phán.
ASEAN từng có một tiền lệ hiếm hoi trong lịch sử vì bất đồng giữa các thành viên trên vấn đề tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc, khiến hội nghị không ra được tuyên bố chung.
Anh Ngọc