"Sau khi thi đấu với AI trong môn cờ vây, tôi nhận thấy mình không còn là số một nữa. Dù đã nỗ lực không ngừng để chiến thắng, AI vẫn sẽ là thứ con người không thể vượt qua", Lee Se-dol kỳ thủ cờ vây số một thế giới năm 2019 nói. Anh đã tuyên bố giải nghệ vào cuối 2019 khi thua AlphaGo AI với tỷ số 1 - 4.
Sau đó, Kha Khiết, kỳ thủ cờ vây số một thế giới hiện nay, cũng thua trí tuệ nhân tạo của Google chỉ sau 38 nước đi. "AlphaGo đã làm mất vẻ đẹp tự nhiên của cờ vây", Kha Khiết nói. Phát ngôn này tạo ra một làn sóng tranh cãi mới trên mạng xã hội về tự tồn tại của AI.
Trong nhiều năm liền, AI được đào tạo để chiến thắng con người trong các bộ môn cờ vua, cờ tướng. Nhưng cờ vây là bộ môn đặc biệt khó đào tạo vì luật chơi đơn giản nhưng độ biến hoá quá lớn. Về lý thuyết, tất cả 361 điểm trên bàn cờ có thể được dùng trong giai đoạn khai cuộc. Ở thời điểm quyết định, AlphaGo thường đi một nước trông có vẻ "ngớ ngẩn", nhưng đó lại là lúc quyết định trận đấu.
Sau khi thua Lee Se-dol một ván vào năm 2019, AI của AlphaGo đã tự nâng cấp bằng cách chơi một mình trong vòng 3 ngày liên tiếp. AlphaGo Zero ra đời và đánh bại AlphaGo AI với tỷ số tuyệt đối 100 - 0.
Trên mạng xã hội, nhận xét của Kha Khiết về AI thu hút hơn 2 triệu lượt quan tâm và hàng chục nghìn bình luận. Nhiều người tỏ ra lo lắng vì AI ngày một thông minh. Phần mềm không chỉ học hỏi từ dữ liệu sẵn có của con người mà đã có thể tự "dạy" chính mình để trở nên hoàn hảo. "Nó như VAR trong bóng đá. Công nghệ có thể đảm bảo công bằng tuyệt đối. Nhưng trong nhiều cuộc chơi, thuật toán, máy móc có thể giết chết những xúc cảm đặc biệt được tạo ra trong những thời khắc quyết định", tài khoản Zhang Xiao viết, sau đó dẫn chứng về khoảnh khắc "Bàn tay của Chúa" - bàn thắng bóng đá sai luật gắn với tên tuổi của cựu huyền thoại người Argentina - Diego Armando Maradona.
Không ít người phản đối nhận xét của Kha Thiết. "Sự xuất hiện của Alpha Go đã thay đổi tư duy cố hữu của người chơi. Những cao thủ cờ vây thường nổi tiếng bởi sự lựa chọn linh hoạt và khôn khéo. Họ chiến thắng vì đã dành rất nhiều thời gian để luyện tập, tính toán các nước đi. AI cũng thế, chẳng qua là nó tính nhanh hơn người thường, nên chẳng có gì đáng trách cả", Li YiTong bình luận.
Số ít người khác cũng so sánh cách phản ứng của Kha Khiết với Lee Se-dol. Mặc dù cùng thua AlphaGo, kỳ thủ người Hàn Quốc đã chấp nhận thua, công nhận trí tuệ của AI, trong khi đó, Kha Khiết lại tìm cách đổ lỗi thay vì tìm kiếm những nước đi sáng tạo hơn.
Kim Cương