Có thâm niên đi biển, từng đối mặt với nhiều cơn bão lớn, nhưng ngư dân Lưu Văn Đào (Thanh Hóa) vẫn chưa hết cảm giác sợ hãi khi đối mặt với bão Mirinea. Biết thông tin bão từ ngày 26/7, tàu của anh cùng nhiều ngư dân đang đánh bắt tại vùng biển Thái Bình lập tức trở về bờ ngay trong ngày. Tất cả 15 tàu Thanh Hóa neo ở cống 4 huyện Tiền Hải.
Tối 27/7, nhận thông tin bão vào, gió cấp 8-9, giật cấp 10-11, mưa mù mịt nên anh Đào cùng các ngư dân chắc mẩm bão sẽ sớm tan. Không ngờ, đến 23h30, gió giật rất mạnh, phải đến cấp 12-13.
"Mọi người hoảng hốt, hò hét nhau đứng hết về phía cuối tàu, sẵn sàng tâm thế nhảy xuống nước và bơi vào bờ. Âm thanh của gió rít, sóng biển và tiếng va đập của tàu thật khủng khiếp. Các dây neo chịu đựng được khoảng 2 giờ thì đứt, 5 tàu bị sóng đánh dạt lên triền đê. Một số bị vỡ hoặc chìm", anh Đào nhớ lại.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND Thái Bình cho rằng, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương đưa ra thông tin về bão Mirinea không chính xác về cường độ cũng như cấp gió. Trên thực tế, bão Mirinea vào Thái Bình có gió cấp 10-11, giật cấp 12-13.
Phó chủ tịch tỉnh Phạm Văn Xuyên cho biết thêm, tối 27/7, bão có sức gió giật lên đến cấp 12 khi đổ bộ vào Thái Bình, Ninh Bình, nhưng bản tin lúc 17h của trung tâm lại cho rằng vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8.
"Bão vào muộn hơn, sức gió mạnh hơn, có gió giật lên tới cấp 12-13. Khi chạm đất liền bão đi rất chậm, có lúc gần như không di chuyển, quần thảo mạnh nhất từ 23h đêm hôm trước đến 3h sáng hôm sau mới tan", Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải, ông Phạm Văn Nghiêm thông tin.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định bày tỏ đồng tình ý kiến trên. "Gió giật mạnh lên cấp 12-13 khiến chúng tôi khá bất ngờ, nhưng do chủ động trong công tác phòng chống nên đã giảm đáng kể thiệt hại", vị này nói.
Không chỉ lãnh đạo địa phương, người dân trong vùng chịu ảnh hưởng của bão thể hiện thái độ bức xúc khi nói về việc dự báo. "Dự báo cấp 7-9, nhưng thực tế lên đến 12-13, sao chúng tôi trở tay kịp", anh Hòa, ở huyện Nam Trực (Nam Định) nói.
Theo dõi sát các bản tin dự báo bão Mirinae, giáo sư Phan Văn Tân (Khoa Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học, Đại học Khoa học Tự nhiên) nhận xét: “Về chuyên môn, sai số dự báo cơn bão này là chấp nhận được, kể cả quỹ đạo, cường độ và hệ quả của bão (gió giật, gió mạnh. mưa lớn)”.
Giáo sư Tân cho rằng, Trung tâm đã dự báo bão đảm bảo độ chính xác ở mức độ cho phép, tức là sai số dự bão của quỹ đạo không quá lớn. Về thời gian đổ bộ, cơn bão này có quy luật khác thường. Đáng lẽ khi đổ bộ vào bờ, bão sẽ giảm ngay cường độ và dần dần tan đi khi tiến sâu vào đất liền, nhưng Mirinae di chuyển quá chậm. Nó lại nửa nằm trên đất liền và nửa nằm trên biển nên cường độ không thay đổi, tức là không yếu đi.
Về tốc độ gió, ông Tân lưu ý cần phân biệt gió mạnh trong bão và gió giật. Với Việt Nam, trong 2 phút cơ quan khí tượng sẽ đo tốc độ gió trung bình mạnh nhất bao nhiêu và ghi nhận vào thời điểm đó. Còn gió giật thì chỉ trong chớp mắt, một giây, không lường trước được và rất mạnh, nên cơ quan khí tượng chỉ có thể đưa ra cảnh báo chứ không dự báo được.
"Dự báo bão rất khó, hiện người ta chỉ hy vọng nâng cao độ chính xác của bão về cường độ, nhưng đây vẫn đang là thách thức với thế giới, không riêng Việt Nam", giáo sư Tân nói.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai chiều 28/7, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, khẳng định: "Cơ bản chúng tôi dự báo sát với thực tế, khu vực đổ bộ có sự dịch chuyển nhưng đã được dự báo tương đối sớm".
Ông Cường cho biết, ngay khi bão vào tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương chiều 26/7, Trung tâm đã đưa ra hai phương án bão đổ bộ với xác xuất 70% vào khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng và 30% vào đồng bằng Bắc Bộ. Thời điểm này, các dự báo quốc tế và Việt Nam đều chung nhận định khi đổ bộ vào đất liền bão sẽ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9-10 cho vùng ven biển.
Đến đêm, nhận thấy có sự thay đổi của quỹ đạo bão, Trung tâm đã gửi tin nhắn đến các thành viên chủ chốt của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai thông tin bão có khả năng đổi hướng đổ bộ vào đất liền Hải Phòng - Nam Định với cường độ cấp 8-9 thay vì Hải Phòng - Quảng Ninh như trước.
Đến sáng 27/7, dự báo của Trung tâm và các đài cảnh báo bão quốc tế cùng nhận định bão đổ bộ vào khu vực từ Hải Phòng đến Nam Định. Các dự báo sau đó điều chỉnh dần vùng đổ bộ xuống phía nam. Trung tâm nhận định gió mạnh nhất khi đổ bộ đất liền đạt cấp 9, giật cấp 10-11. Sau đó, Phó thủ tướng Trịnh Định Dũng đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị chống bão ở Thái Bình, Hải Phòng.
Từ bản tin bão khẩn cấp phát lúc 14h30 ngày 27/7, Trung tâm giữ nguyên hướng di chuyển và khu đổ bộ được xác định là Thái Bình - Ninh Bình, cảnh báo vùng ảnh hưởng trực tiếp từ nam Quảng Ninh đến bắc Thanh Hóa. "Khu vực được cảnh báo sẽ có gió mạnh cấp 9, giật cấp 10-12, sau đó tăng lên cấp 10-13. Hà Nội cũng được cảnh báo riêng với gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8 kèm theo mưa to", ông Cường cho biết.
Video: Hà Nội ngổn ngang sau bão
Lý giải về cơn bão Mirinea có cường độ không lớn nhưng gây nhiều thiệt hại, theo ông Cường khi vào gần bờ biển Thái Bình - Ninh Bình bão đi chậm, có thời điểm vài ba giờ hầu như không di chuyển nên gây gió mạnh kéo dài gần như suốt đêm.
Trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đánh giá, các bản tin dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương đưa ra khá sát và sớm. Cục trưởng Cứu hộ, cứu nạn, Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn - thiếu tướng Trương Đức Nghĩa chung nhận định: "Bão được dự báo sớm, đúng, càng về sau càng chính xác".
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai các địa phương, bão Mirinae làm cháu Giàng A Rua, 14 tuổi, xã Làng Nhì (Trạm Tấu, Yên Bái) chết do lũ cuốn trôi. Anh Phạm Văn Cường, 31 tuổi, ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) mất tích trên con tàu chìm. Gió bão làm 10 người bị thương (Hà Nội 5 người, Thái nguyên 3 người, Hòa Bình 1 người, Nam Định 1 người). Về nhà ở, có 8 nhà bị đổ sập hoàn toàn; 4.380 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 19 nhà bị ngập nước. Có 12 tàu cá bị chìm; 4 tàu vận tải bị hư hỏng do sóng đánh xô vào nhau; 75 bè mảng chìm. Về nông nghiệp, có 215.280 ha lúa bị ngập úng; 55.280 ha rau màu bị hư hại; 8.300 ha cây trồng lâu năm và cây ăn quả bị gãy, đổ giảm năng suất; 34.090 cây xanh bị đổ, gãy. Về công nghiệp, có 17.026 cột điện bị gãy, đổ, gây mất điện hoàn toàn ở 3 tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình; tỉnh Thái Bình mất điện diện rộng. |
Nhóm phóng viên