Triển lãm nghệ thuật cảnh quan Mây pha lê - La Pán Tẩn lần đầu được tổ chức ở Việt Nam, diễn ra từ 19/5 - 5/10 tại khu vực đồi mâm xôi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
Nghệ thuật hay phá hoại?
Từ ngày đầu mở cửa, triển lãm vấp phải nhiều ý kiến. Phần đông du khách đã quen với hình ảnh mâm xôi Mù Cang Chải đều tỏ ra tiếc nuối.
"Thay vì ruộng lúa vàng mùa nước đổ như mọi khi, giờ trên đỉnh đồi mâm xôi lại mọc lên đầy cột sắt với những đám mây xám xịt trên đầu". Anh Đoàn Dũng, người đã dành nhiều năm để chụp ảnh La Pán Tẩn thất vọng.
Theo anh Dũng, những cây sắt vô hồn mọc lên thay cho hình ảnh đồng bào địa phương cặm cụi lao động giữa thiên nhiên hùng vĩ. Những đàn trâu nhởn nhơ bên thửa ruộng bị thay bằng những đám mây xám xịt đầy khiên cưỡng.
Phần đông mọi người không hiểu được ý nghĩa của những đám mây pha lê có liên quan gì đến cảnh quan ở La Pán Tẩn. Họ cho rằng rằng bản thân nơi đây đã đẹp với cảnh quan tự nhiên, không cần bất cứ can thiệp nào của khoa học kỹ thuật.
Trong khi nhiều người ví "mây pha lê" trong triển lãm với hình ảnh xấu xí như búi rửa bát thì một số lại tỏ ra thích thú với tác phẩm này.
Nhiếp ảnh gia Maika Elan cho rằng với một tác phẩm nghệ thuật thì có người thấy xấu, thấy đẹp, không việc gì phải tranh cãi. "Cá nhân mình thấy nó đẹp, không gây ảnh hưởng đến chất liệu, không gian hay gây hại cho bất kỳ ai".
Quyên Cao, một người làm trong ngành thiết kế cho rằng đây là dự án thú vị. “Mình thấy tác phẩm này đẹp, với nghệ thuật thì mọi người cũng nên rộng lượng để nó phát triển".
Trở về từ triển lãm, chị Nguyễn Thị Hương Liên cho rằng mây pha lê ở ngoài đẹp hơn trong ảnh nhiều. "Mỗi khi nắng chiếu vào, ánh sáng tán sắc thành bảy sắc cầu vồng lấp lánh có thể nhìn thấy từ xa hàng trăm mét kể cả khi đứng từ những quả đồi bên cạnh". Đó là vẻ đẹp hoà quyện tuyệt vời giữa thiên nhiên rộng lớn.
Đừng ích kỷ trên di sản
Trước những ý kiến trái chiều về triển lãm Mây pha lê, chị Hà Nguỵ, từng tham gia dự án Phố bích hoạ Phùng Hưng bình luận: "Có thể nhiều người chưa hiểu hết ý nghĩa của dự án đã vội phản đối".
Ruộng bậc thang La Pán Tẩn trước nay là một trong những địa điểm chụp ảnh đẹp nhất ở Yên Bái. Các nhiếp ảnh gia, rồi các phượt thủ đến chụp 1-2 ngày mang theo những bức ảnh, rồi đi.
Nay ban tổ chức, với sự tham gia của người dân và chính quyền địa phương đã tạo ra một tác phẩm nghệ thuật, mang đến vẻ đẹp mới cho ruộng bậc thang, và tạo điều kiện cho người dân phát triển du lịch. Vậy tại sao các bạn không mở lòng, đón nhận và cổ vũ cho những người tiên phong mang nghệ thuật, tạo thêm sinh kế đến cho người dân mà lại cứ chửi rủa, ném đá?
Nếu vẫn muốn những bức ảnh năm nào cũng như năm nào, vậy năm tới bạn vẫn có thể chụp được bởi sau tháng 10 triển lãm này sẽ kết thúc. “Nhưng nếu bạn là người làm nghệ thuật, yêu nghệ thuật mà chỉ mãi loanh quanh với những cái cái xáo mòn, và đả kích những cái mới, điều đó sẽ dẫn bạn đi tới đâu?”
Trên thực tế, những người thực hiện dự án này đã mất gần 2 năm để làm việc với chính quyền các cấp và người dân ở đây để không ảnh hưởng đến canh tác truyền thống.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Trần Bắc, người dân nơi đây rất hào hứng khi được mời tham gia trực tiếp vào quá trình thiết kế. Theo anh Bắc việc ảnh hưởng đến quá trình canh tác là không thể tránh. Tuy nhiên nhóm thi công đã bàn bạc rất kỹ với các kỹ sư từ Mỹ để bảo đảm sau đó hoàn trả 100% nguyên trạng, thậm chí đường đi cũng hoàn toàn bằng gỗ, các cột sắt không đổ móng bê tông, một chút đinh hay sắt rơi ra cũng được nhặt cẩn thận.
Đại diện ban tổ chức triển lãm cho rằng tác phẩm sắp đặt cảnh quan đặc biệt này còn mang ý nghĩa cổ vũ cho tinh thần hoạt động nghệ thuật và mở ra một cuộc đối thoại mới để sáng tạo nghệ thuật trong không gian công cộng.