Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là vì sao Samsung vẫn theo đuổi kiểu thiết kế smartphone với nắp lưng có thể tháo rời trong khi các hãng khác như Motorola, Nokia... đang đi theo con đường mà Apple đặt ra ngay từ thế hệ iPhone đầu tiên và mới nhất là HTC với mẫu One.
Một ưu điểm dễ thấy ở thiết kế unibody là nó tạo cảm giác sản phẩm trông đẹp và lôi cuốn hơn. Jerry Hart thuộc bộ phận sản phẩm Windows Phone của Nokia từng chia sẻ trên CNet lý do họ chọn thiết kế nguyên khối vì điện thoại trông chắc chắn, "loại bỏ được các đường phân chia vốn làm người sử dụng phân tán khi cầm trên tay cũng như mang đến cảm nhận về sự thuần khiết".
Một nguyên nhân khác là do pin không thể tháo rời, nhà sản xuất có thể thoải mái lựa chọn kiểu dáng và kích cỡ pin khác nhau để đưa vào thiết bị mà không cần bận tâm người dùng có gặp khó khăn khi tháo lắp pin hay không.
Dù vậy, để có một thiết bị đẹp, người dùng cũng phải đánh đổi. Có ý kiến cho rằng nếu vô tình bị rơi hay va đập mạnh, điện thoại nguyên khối vẫn được bảo toàn do nắp lưng và pin cũng không dễ dàng bị bung ra. Tuy nhiên, không ít người đã phản bác lại rằng đây mới chính là điểm yếu vì khi rơi, máy sẽ dễ hỏng hơn, do tất cả các chi tiết bên trong bị nén và ép hết mức có thể, cộng với pin cũng làm gia tăng trọng lực lên các linh kiện. Thiết kế rời tránh được điều này vì khi rơi, nắp sau và pin bung ra, làm giảm yếu tố hư hỏng bên trong.
Khi điện thoại gặp trục trặc và không bật lên được, người dùng thường có thói quen tháo pin, đợi một lúc rồi lắp trở lại. Còn nếu bị chai pin, họ dễ dàng thay thế bằng thỏi pin mới được mua ngoài cửa hàng (hoặc mang thêm một thỏi dự phòng khi điện thoại kiệt pin). Với giải pháp gắn pin gắn liền trong máy như thiết kế unibody, 2 điều trên không thể xảy ra. Trong tình huống một, Apple, Nokia, Motorola... đưa ra giải pháp là người dùng có thể ấn và giữ phím nguồn vài giây để reset thiết bị. Còn với tình huống hai, họ sẽ phải đem máy đến các cửa hàng hoặc trung tâm bảo hành để khắc phục và trong một vài trường hợp, họ phải chờ đợi vài ngày, thậm chí vài tuần, mới được giao lại máy để tiếp tục sử dụng.
Thiết kế nguyên khối cũng khiến người dùng không thể gắn thêm thẻ nhớ mở rộng cho điện thoại. Đây có phải nhược điểm hay không sẽ tùy vào nhu cầu sử dụng của mỗi người. Đa số hài lòng với dung lượng có sẵn trong máy cộng với các giải pháp lưu trữ điện toán đám mây phổ biến hiện nay. Còn nếu vẫn thực sự cần mở rộng bộ nhớ, cách duy nhất là bán máy cũ để đổi sang phiên bản có dung lượng cao hơn chứ không thể mua thẻ nhớ bổ sung.
Trong khi đó, quan điểm của những người ủng hộ thiết kế vỏ rời là điện thoại trước hết phải mang lại sự tiện lợi cho mọi người như hỗ trợ thay lắp pin, thẻ nhớ, đổi mới nắp lưng dễ dàng. Còn thẩm mỹ là yếu tố khó cân đong đo đếm và phụ thuộc mắt nhìn mỗi người. Nguyên khối được đánh giá là đẹp nhưng Samsung cũng đang thiết kế sản phẩm ngày càng đẹp hơn. Dù có người thất vọng vì Galaxy S4 không nguyên khối, cũng vẫn có nhiều người đánh giá máy đẹp và không hề tạo cảm giác ọp ẹp. Bên cạnh đó, vỏ polycarbonate không sang trọng như vỏ nhôm nhưng lại dẻo và bền, giúp máy nhẹ, bám tay hơn và việc thay mặt vỏ, thay pin cũng linh động hơn.
"Việc dễ thay vỏ sau còn giúp điện thoại trông luôn luôn mới, trong khi iPhone hay Lumia dùng một thời gian là xước xát, nhất là khi để trong túi quần. Còn nếu trang bị thêm case bảo vệ máy thì việc tranh cãi về vẻ đẹp của thiết kế unibody đâu còn ý nghĩa gì nữa, vì lúc này thứ người ta nhìn thấy chỉ là màn hình và bộ case bọc bên ngoài khiến máy dày thêm mà thôi", độc giả Thanh Hoàng chia sẻ trên Số Hóa.
Châu An