Theo thuyết trình của nhóm thiết kế, tàu ngầm mini tên Trường Sa có lượng choán nước 12 tấn khi lặn và 9,2 tấn khi nổi, bán kính hoạt động 800 km. Tàu có thể lặn sâu 50m và có khả năng di chuyển sát hay nằm im dưới đáy biển. Tàu được trang bị hai động cơ 90Hp. Khi lặn, tàu sử dụng công nghệ AIP, thời gian lặn 15 giờ; thời gian hoạt động trên biển là 15 ngày; tốc độ thiết kế khoảng 40 hải lý/h.
Rất nhiều ý kiến cho rằng chế tạo tàu ngầm là một việc rất khó, bản thân các công ty nhà nước cũng chưa thực hiện được nên nếu đề án của ông Hòa có tính khả thi thì rất nên được ủng hộ. Độc giả có tên tp_nn chia sẻ quan điểm trên VnExpress.net: “Hoan hô ông Hoà! Cho dù có phải làm đi làm lại vài lần tàu ngầm mới hoạt động như ý được thì tôi vẫn cảm phục, ngưỡng mộ ông. Ông cứ tiếp tục tìm hiểu tư liệu để hoàn thiện con tàu lịch sử này”.
Đứng đầu nhóm chế tạo là ông Nguyễn Quốc Hòa, 56 tuổi, giám đốc một công ty cơ khí ở Thái Bình. Ông cho biết, chiếc tàu ngầm mini không làm rập khuôn theo bất kỳ hình dáng chiếc tàu nào trên thế giới mà học hỏi từ nhiều mô hình khác nhau.
Mục đích khi chế tạo con tàu này theo ông Hòa là để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, phục vụ thương mại và đánh bắt hải sản. Để tìm ra công nghệ phù hợp, ông Hòa và đồng nghiệp đã tham khảo thông tin trên Internet, đọc các tạp chí khoa học thế giới để nghiên cứu và áp dụng vào thực tế của Việt Nam.
Độc giả tp_nn cũng bày tỏ: “Đây là tàu ngầm 100% made in Vietnam chứ không phải như mấy chiếc xe độ lấy đồ cũ mang ra đắp vá, "đầu gà đuôi vịt", làm đồng, thay động cơ… làm cho nó biến dạng rồi mang trình làng. Thú thật nhìn thì thấy mấy con xe độ cũng hay hay, cũng công phu lắm chứ chẳng phải dễ làm. Nhưng cái niềm vui sáng tạo đó vẫn chưa bao giờ trọn vẹn, vẫn ngậm ngùi thế nào ấy. Chiếc tàu ngầm Trường Sa của ông Hoà mới thực sự đáng tự hào. Chúc ông sớm thành công!”.
Cùng với quan điểm trên, một bạn tên Huy cho biết: “Nên ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi phát triển khoa học kỹ thuật, nhằm thu hút nhân tài mang lại lợi ích cho đất nước, tương lai hướng tới xuất khẩu sản phẩm tri thức giúp cho đất nước giàu mạnh”.
Do tàu ngầm này là sản phẩm “thuần Việt”, tự người Việt Nam thiết kế và thi công nên, đã được độc giả gần xa hết sức ủng hộ. Fabooker Nguyễn văn Tuấn nói: “Tôi nghĩ là nên khuyến khích các công ty chế tạo. Trình độ chúng ta còn kém bước khởi đầu thì đóng những con tàu nhỏ thô sơ, dù có chạy được hay không thì chưa cần biết. Đóng cái thứ nhất chưa chạy được thì xem ly 1do vì sao, rồi đúc rút kinh nghiệm để đóng cái thứ hai. Cái thứ hai vẫn chưa chạy được thì vẫn tiếp tục đóng cái thứ ba. Vẫn không chạy được thì hãy nghiên cứu tiếp có thể tìm hiểu các con tàu của các nước tiên tiến. Học hỏi dần dần, hôm nay học được 0,1 %, ngày mai học được 1%, và cứ thế rồi sẽ thành công. Cái gì cũng vậy phải từ từ, chúng ta có lợi thế là đi tắt đón đầu được công nghệ không phải tự vắt óc sáng tạo ra cái mới nữa, ý tưởng đã có và công việc chỉ là biến cái ý tưởng đó thành hiện thực”.
“Xin chúc cán bộ công nhân của công ty làm ra con tầu này và sẽ thành công một cách nhanh nhất. Các bạn không nên cười nhạo, hãy ủng hộ họ bởi nếu cứ bán thóc đi mua tàu ngầm thì hỏi rằng phải bao nhiêu thóc, bao nhiêu mồ hôi xương máu của các bác nông dân đổ xuống đồng mới mua được một cái”, một độc giả tên Anh Tú ở Thái Nguyên động viên các thành viên của dự án.
Tuy nhiên, bên cạnh các ý kiến ủng hộ dự án sản xuất tàu ngầm “thuần Việt”, vẫn còn nhiều người lo lắng cho tính thực tiễn của đề án này. Đóng tàu ngầm không phải là một công việc đơn giản, có nhiều độc giả còn nghi ngờ tâm lý “muốn nổi tiếng” của những người thực hiện.
“Chế một chiếc tàu ngầm không khó nhưng chế tạo một chiếc tàu ngầm có thể nổi được khi cần thiết là điều cực kỳ khó. Tôi có dịp tham quan tàu ngầm "Bọ Cạp" của Xô Viết, và tàu ngầm của Mỹ, đời rất rất cũ (đệ nhị thế chiến) nhưng cấu trúc của nó vô cùng phức tạp, đặc biệt hệ thống phóng thuỷ lôi. Trân trọng ý nghĩ sáng tạo, và tinh thần cầu tiến, cũng như lòng ái quốc của ông Hòa, nhưng xin ông thận trọng khi thử nghiệm để bảo toàn tính mạng cho người ở trong tàu” - một độc giả có tên Quocvinh phát biểu.
Cùng chung nỗi lo lắng trên, một bạn có nickname Ngoc cho biết: “Tàu ngầm này không thể đạt tốc độ 40 hải lý/h (73 km/h) được. Tuyến hình tàu không ổn lắm, theo tôi thì nên bắt chước tuyến hình của các nước tiên tiến để thiết kế (cái này mình không thể phát triển tốt hơn họ). Cái đuôi to chắc chắn sẽ làm tăng lực cản của nước chứ không có lợi gì về thuỷ động lực học”.
Một Facebooker có tên Nguyễn Anh Tuấn nhận xét về công nghệ của chiếc tàu ngầm: “Thông tin về cấu tạo tàu ngầm cần xem xét lại, hiện nay chỉ có 3 nước sở hữu động cơ AIP là Đức, Pháp, Thụy Điển. Câu hỏi đặt ra là trình độ chế tạo của công ty ông Hòa như thế nào. Nếu đúng là như vậy thì đáng mừng, nhưng mà cũng khiến nhiều người am hiểu đặt câu hỏi ngay. Phần thân tàu ngầm trên được thiết kế một cách thô sơ, nhất là phần chân vịt. Tàu ngầm hiện nay chạy cũng chỉ được 10 hải lý/h, mà tàu ngầm mini của ông Hòa chạy lên đến 40 hải lý/h, gần bằng 72 km/h thì đã nhanh bằng ngư lôi. Cần kiểm tra lại cách tính toán này, phần thân không cấu tạo động lực học để tàu di chuyển dưới nước nhanh là một vấn đề cần suy nghĩ lại”.
“Ở đuôi tàu không có hệ thống bánh lái điều hướng mà chỉ có 2 vây lái ổn định bên cạnh. Ngoài ra tôi thấy có 2 cái ống ở 2 bên, tôi nghĩ nó dùng để lắp 2 cái chân vịt, còn bộ phận động cơ AIP theo quảng cáo chắc là loại động cơ dùng pin giống như trên xe đạp điện chứ không phải là loại AIP thiết kế dành cho tàu ngầm, như vậy nghĩa là không đạt công suất”, một bạn có tên luu_vu ở Đồng Nai thắc mắc về công nghệ của tàu ngầm.
Một câu hỏi nữa được bạn đọc Yến Vy đặt ra: "Trên thế giới người ta đã chế tạo tàu ngầm từ lâu rồi, công nghệ đã thượng đẳng rồi, tại sao người Việt chúng ta cứ tốn công sức tiền bạc để đi làm lại những cái mà khả năng chiến thắng về kỹ thuật, độ an toàn cũng như giá thành sản phẩm là hầu như không thể?".
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống xã hội tại đây.
Hoàng Long tổng hợp