Chiều 3/4, trên cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, đoạn cách cầu vượt Quốc lộ 51 khoảng 2 km xảy ra tai nạn đâm liên hoàn ở cả hai chiều vì lượng khói lớn tràn vào từ hai bên đường gây giảm tầm nhìn. May mắn không có thiệt hại về người.
Thông tin về vụ tai nạn hy hữu gây nên hai luồng quan điểm trái chiều trong cộng đồng tài xế Việt. Ý kiến đầu tiên nổi lên là nông dân đốt đồng sát đường nên gây khuất tầm nhìn, tài xế không có lỗi vì bất khả kháng. Ý kiến phản biện cho rằng tài xế các xe này mới là người mắc lỗi vì không làm chủ tay lái, không thể đổ thừa cho khói.
Ở ý kiến đầu tiên, nhiều lái xe cho biết các tài xế gặp nạn bị bất ngờ lao vào vùng khói, trước mắt đặc quánh một màu trắng cũng giống như bị che mắt, có phanh cũng không kịp vì khi nhìn thấy xe trước cũng là lúc hai xe đã quá gần nhau. Tài xế Trịnh Sơn (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, không thể phản xạ kịp với khói, như một chướng ngại vật "từ trên trời rơi xuống".
Những người bảo vệ ý kiến này cho rằng lỗi ở đây đầu tiên cần kể đến là do người dân không có ý thức đốt đồng phải tránh xa đường công cộng. Tiếp theo đó, ban quản lý đường cao tốc khi phát hiện có khói đã không xử lý kịp thời như dập lửa hay cảnh báo các phương tiện.
Luồng ngược lại, nhiều lái xe cho biết tài xế các xe gặp nạn đã không chủ động giảm tốc từ trước, không kiểm soát được tốc độ. Anh Mai Thanh (Thanh Hóa), làm nghề lái xe 30 năm chia sẻ: "Tôi đã chạy đủ loại đường từ cao tốc tới đèo núi, băng rừng, việc bất ngờ gặp khói đốt đồng hay sương mù nhiều vô kể, lúc đó chỉ còn cách là rà phanh giảm tốc tới mức thấp nhất".
Đồng tình với quan điểm của anh Thanh, nhiều lái xe khác cho biết, với vùng khói lớn như vậy, nhìn từ xa hàng trăm mét thậm chí cả cây số đã phát hiện ra, việc giảm tốc độ gần như rất đơn giản. Tài xế Nguyễn Cường (TP HCM) còn dẫn chứng, trong các video tai nạn, chính tài xế xe 16 chỗ nói đã giảm tốc tới an toàn thì bất ngờ bị tông từ phía sau. Một nhân chứng của vụ tai nạn cũng cho biết anh đã giảm tốc từ trước khi vào vùng khói.
Các tài xế nhiều năm kinh nghiệm cho rằng việc các xe đâm nhau đúng-sai tới đâu phụ thuộc vào điều tra của cơ quan chức năng với các dữ liệu như tốc độ khi đâm, vết phanh bánh xe. Tuy nhiên, người lái xe có thể tự đúc rút ra những kinh nghiệm khi chạy trên đường cao tốc, quốc lộ nếu bất ngờ bị giảm tầm nhìn do vùng khói, sương mù hay mưa rào.
Đầu tiên rà phanh để từ từ giảm tốc. Không nên giảm tốc đột ngột vì khiến các xe sau khó xử lý. Quãng đường phanh dài, đèn phanh sáng lâu cũng là cách để báo hiệu cho phương tiện đi sau sẵn sàng phản ứng.
Sau khi rà phanh, bật đèn sương mù nếu điều kiện ánh sáng yếu đi, trường hợp này hay xảy ra khi đi đường đèo núi gặp sương mù. Cùng đèn sương mù, tài xế phải bật cả đèn khẩn cấp cảnh báo xe khác. Nếu điều kiện tầm nhìn quá thấp, táp xe vào lề đường, vẫn bật đèn cảnh báo và tìm hiểu nguyên nhân để đưa ra các biện pháp khác.
Luật Giao thông Việt Nam quy định, người lái xe phải đi đúng tốc độ và giữ khoảng cách an toàn với xe liền trước mình. Khoảng cách an toàn được quy định tại Điều 12 Thông tư số 91/2015 của Bộ GTVT như sau:
1. Khi mặt đường khô ráo:
Tốc độ (km/h) | Khoảng cách an toàn tối thiểu (m) |
>60 | 35 |
80 | 55 |
100 | 70 |
120 | 100 |
Khi điều khiển xe chạy với tốc độ từ 60 km/h trở xuống, trong khu vực đô thị, đông dân cư, người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn.
2. Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hoặc quy định tại khoản 1 Điều này.
Minh Hy