Trao đổi với VnExpress.net, ông Phạm Tuân, nguyên Tổng Giám đốc Cienco khẳng định, cách phân làn Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang triển khai trùng với phần đầu trong đề án "Nâng cao năng lực thoát xe, chống tắc và hạn chế tai nạn giao thông" mà ông đã gửi đến UBND Hà Nội vào tháng 12/2007.
Ông Tuân cho biết, ban đầu đề án trên do một nhóm tác giả biên soạn nhưng chỉ đề cập đến vấn đề xây dựng cầu vượt. Sau đó ông phát triển thêm các giải pháp để hạn chế ùn tắc giao thông và gửi đến UBND Hà Nội và TP HCM vào tháng 12/2007.
Có hai tác giả cho rằng Sở Giao thông vận tải đang copy lại đề án của họ. Ảnh: Xuân Tùng |
Đề án gồm 3 vấn đề lớn. Thứ nhất là, bỏ đèn đỏ ở những nơi bỏ được bằng cách tạo bùng binh cho xe đi thông thoáng và làm cầu vượt trên cao. Thứ hai là điều tiết lại mật độ giao thông bằng cách quy hoạch lại mạng lưới trường học, bệnh viện, công sở gần chung cư, KTX... đẩy xa ra khỏi khu vực nội thành và thứ ba là tổ chức lại giao thông phố cổ.
Ông Phạm Tuân năm nay 64 tuổi, thường trú tại Quốc Tử Giám (Hà Nội) là Tổng giám đốc Công ty Cienco từ 1995 đến 2005. |
Ông Tuân cho biết, đã gửi đề án đến thành phố Hà Nội 2 lần và thành phố cũng khẳng định đã chuyển cho Sở Giao thông vận tải.
"Cách phân làn hiện nay của Sở Giao thông vận tải Hà Nội trùng với phần làm đảo cho xe chạy vòng và bỏ đèn đỏ trong đề án của tôi", ông Tuân nói.
Ông tâm sự, không có ý định đòi hỏi quyền lợi với Sở Giao thông nhưng thấy buồn về cách ứng xử. "Nếu khi triển khai, họ hỏi ý kiến thì mình sẽ góp ý nhiều hơn", ông Tuân nói.
Ngoài ông Tuân, anh Phạm Văn Tiệp, cử nhân Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cũng cho rằng, đề án điều chỉnh giao thông đô thị mà Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang triển khai là do ông đề xuất và "đã được Cục Bản quyền tác giả Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp giấy chứng nhận".
Anh Tiệp cho biết, đề án "Giải pháp "giao diện mềm" nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị Hà Nội trong giai đoạn hiện nay" do anh xây dựng cách đây 3 năm và gửi cho UBND Hà Nội vào tháng 7/2008 sau đó gửi tiếp cho Sở Giao thông vận tải Hà Nội tháng 9/2008.
Việc rào chắn tại các ngã tư thường xung đột đã hạn chế ùn tắc giao thông trên một số tuyến. Ảnh: Xuân Tùng |
Theo anh Tiệp, trong đề án đã gửi anh đưa ra 9 sơ đồ và một loạt công thức như những hằng đẳng thức. Tại mỗi vị trí, nút giao cắt, ngã ba, tư... sẽ ứng với một sơ đồ để có một cách phân làn riêng.
Anh Phạm Văn Tiệp, sinh năm 1973 thường trú tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh thương mại Đại học Kinh tế Quốc dân năm 1998. Hiện là chủ doanh nghiệp Mỹ nghệ nội thất Phú Gia. |
Anh Tiệp cho biết, do e ngại về vấn đề bản quyền nên mới chỉ công bố 50% giải pháp. "Cách làm của Hà Nội hiện nay không có hệ thống, không liền mạch. Ví dụ tuyến Nguyễn Trãi mở giao cắt mới đâm thẳng vào đường phụ tạo ra các điểm xung đột mới. Khi bịt các lối giao cắt nhưng đèn tín hiệu vẫn bật gây hiểu nhầm cho người tham gia giao thông," anh Tiệp phân tích.
"Đề án đã được đăng ký bản quyền và bảo hộ 50 năm. Nếu họ ngỏ lời xin thì tôi cho chứ copy là tôi đòi lại", ông Tiệp nói.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Thạch Như Sỹ, Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, phương án phân làn Sở Giao thông Hà Nội áp dụng là dựa trên các nguyên tắc tổ chức giao thông cổ có trong các giáo trình không có gì mới.
"Việc chúng tôi đang triển khai xuất phát từ nghị quyết của Chính phủ về việc chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP HCM", ông Chánh thanh tra khẳng định,
Ông Sỹ cho rằng, khác với những lần trước, việc tổ chức lại giao thông lần này Sở làm một cách linh hoạt theo nguyên tắc cử người đứng tại vị trí phân luồng thử nghiệm trong 3 ngày nếu thấy hợp lý thì áp dụng. Trong quá trình thử nghiệm luôn có hàng rào mềm, di động có thể co vào và kéo ra. Cùng trên một quãng đường, nhưng chỉ cần điều chỉnh hàng rào xê xịch không chính xác là có thể làm tắc cứng cả một tuyến phố.
"Đây là cách làm linh hoạt. Không dựa trên một đề án, bản vẽ cố định nào. Còn các ý tưởng trùng với nguyên tắc là điều bình thường. Phương án chúng tôi đang triển khai là những kiến thức trong sách vở ai học qua các trường chuyên ngành đều có thể nắm được", ông Sỹ nói.
Xuân Tùng