Tại hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo thông tư mới về dịch vụ trung gian thanh toán, được VCCI tổ chức hôm nay (10/5), nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước về những vướng mắc trong nội dung của dự thảo. Một trong những vấn đề được quan tâm nhất là hạn mức giao dịch của một ví điện tử trong một tháng.
Theo dự thảo thông tư mới, tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử cá nhân tối đa là 20 triệu đồng trong một ngày và 100 triệu đồng trong một tháng. Tổng hạn mức giao dịch ví điện tử của tổ chức tối đa là 100 triệu đồng trong một ngày và 500 triệu đồng trong một tháng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về cơ sở pháp lý và thực tế để Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy định.
Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng cơ quan soạn thảo cần tính đến thực tế thu nhập bình quân đầu người tăng, tiêu dùng cá nhân cũng tăng rất nhanh, để đặt ra hạn mức không kìm hãm thanh toán điện tử. Ông Trần Quang Huy, Chủ nhiệm CLB Công nghệ tài chính thuộc Hiệp hội Ngân hàng nhận định, về bản chất ví điện tử là tài sản của người dùng, do đó họ cần có quyền định đoạt đối với tài sản của mình.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử cho rằng, mặc dù thương mại điện tử có tăng trưởng nhanh, thanh toán điện tử đang là điểm nghẽn, cần có cơ chế khuyến khích thay vì hạn chế. Lấy ví dụ về lĩnh vực du lịch, ông Hưng cho rằng các giao dịch đặt vé máy bay hay tour du lịch sẽ có giá trị lớn hơn nhiều so với hạn mức đề xuất.
Lý giải việc áp trần thanh toán tối đa 20 triệu đồng mỗi ngày và 100 triệu mỗi tháng đối với ví điện tử cá nhân, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Thanh toán cho biết lý do căn cứ vào "tình hình thực tiễn". Cả nước hiện có 29 đơn vị trung gian thanh toán và đơn vị cung cấp ví điện tử có số lượng lớn nhất khoảng 60 triệu giao dịch mỗi năm. Các giao dịch qua ví điện tử thông thường chỉ xoay quanh con số 200.000 đồng trong khi giá trị bình quân lớn nhất cũng chỉ khoảng 5 triệu đồng.
Ông Dũng nói thêm rằng khi đưa ra hạn mức 20 triệu đồng mỗi ngày "thì có thể gặp phản ứng", tuy nhiên lý do giới hạn là nhằm "tránh trường hợp mua bán kinh doanh sau đó sử dụng ví để che giấu vì mục đích khác như không khai báo thuế".
Dưới quan điểm cá nhân, Vụ trưởng Thanh toán cũng cho biết không muốn đặt hạn mức thanh toán theo ngày nhưng cho rằng mức thanh toán tối đa theo tháng 100 triệu đồng là cần thiết và phù hợp. Lý do là bởi ít cá nhân có thể giao dịch tới 100 triệu đồng trong một tháng, bình quân giá trị thanh toán của cá nhân qua ví hiện tại chỉ khoảng 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho biết sẽ kiến nghị sửa đổi nếu quy định về hạn mức này không phù hợp với thực tế.
Trước đó, trong phần giải trình của dự thảo xin ý kiến, Ngân hàng Nhà nước cho biết dự thảo quy định hạn mức giao dịch đối với ví điện tử của cá nhân và tổ chức nhằm giảm thiểu rủi ro về lợi dụng ví điện tử để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp. "Việc quy định hạn mức để phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ", cơ quan ban hành viết trong văn bản giải trình.
Minh Sơn